Multimedia Đọc Báo in

Cùng nhau vượt sóng

09:24, 06/02/2022

Trong làn sóng dịch COVID-19 làm chao đảo nhiều mặt đời sống, có nhiều bạn trẻ vẫn mạnh mẽ đứng vững, chủ động thích ứng và tự tin bước tiếp trên nền tri thức và nghị lực.

Khởi nghiệp với mô hình trồng nấm từ năm 2018, anh Đinh Trọng Nghĩa (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) sở hữu khu nhà xưởng có diện tích 2.500 m2 quy mô 70.000 bịch nấm, sản phẩm nấm mối đen đã được xuất bán tại các tỉnh thành trong cả nước. Dịch bệnh ập đến, các địa phương thực hiện giãn cách, việc lưu thông hàng hóa bị hạn chế khiến cơ sở sản xuất nấm của anh điêu đứng, lượng hàng tiêu thụ giảm 80% so với bình thường.

Anh Đinh Trọng Nghĩa kiểm tra phôi nấm tại cơ sở sản xuất.

Không bó tay trước khó khăn, anh Nghĩa đã nghiên cứu, học hỏi và chế biến thành công sản phẩm nấm mối đen sấy khô. Loại nấm này có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, lại bảo quản được lâu mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng, khi dùng chỉ cần ngâm nước khoảng 15 phút cho nở ra, rửa sơ và chế biến các món như nấm tươi. Nhận được sự phản hồi khá tốt từ khách hàng, anh Nghĩa đang hoàn tất hồ sơ đăng ký chứng nhận VietGAP trong quy trình sản xuất, sơ chế và tạo thành phẩm để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Anh cho hay, ngoài sản phẩm nấm tươi thì sản phẩm nấm khô hiện cũng đang có thị trường rộng. Mục tiêu mà anh hướng đến là: phát triển sản phẩm nấm là nguồn thực phẩm, nguồn dược liệu tốt cho sức khỏe con người, mang lại lòng tin cho người tiêu dùng.

Với Lương Thị Linh Huệ, sinh viên chuyên ngành Thú y Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, không khó khăn nào có thể ngăn cản em theo đuổi ước mơ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình chăn nuôi đã ấp ủ từ khi còn học phổ thông. Sinh ra và lớn lên tại xã Ia Ga, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) trong gia đình làm nông, thấy mô hình trồng tiêu của gia đình kém hiệu quả, năm học lớp 12, Linh Huệ chủ động chia sẻ với bố mẹ về ý tưởng chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi dê. Từ ý tưởng của con gái, năm 2020 bố mẹ Linh Huệ đã mạnh dạn đầu tư vào chuồng trại, mở rộng mô hình nuôi dê. Cũng vào thời điểm đó, dịch COVID-19 bùng phát, nhà trường chuyển sang dạy - học online, Linh Huệ có thời gian ở nhà tìm hiểu thêm về quy trình, áp dụng một số  kỹ thuật trong chăm sóc, giúp vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.

Linh Huệ chia sẻ rằng, khí hậu, đất đai địa phương đều thuận lợi cho cây cỏ phát triển, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho dê. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ dê thịt rất lớn nên không cần lo lắng về đầu ra. Ngoài nuôi dê thịt, gia đình Huệ còn cung cấp dê giống cho bà con trong và ngoài huyện. Sau hơn một năm chuyển đổi, mô hình chăn nuôi với hơn 100 con dê đã mang lại cho gia đình Huệ thu nhập gần 300 triệu đồng.

Sinh viên Lương Thị Linh Huệ (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Với mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư để mở rộng quy mô dự án nuôi dê, cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường, đầu năm 2021, Linh Huệ và một người bạn cùng lớp xây dựng Dự án “Xây dựng mô hình nuôi dê sạch” để tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite. Dự án này đã được Hội đồng giám khảo cuộc thi đánh giá cao khi đưa ra được những ý tưởng sáng tạo như: quy trình chăn nuôi, sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm qua mã QR. Linh Huệ chia sẻ: “Vì ảnh hưởng dịch bệnh nên em không thể trực tiếp ra Hà Nội tham dự Vòng chung kết và thuyết trình. Mặc dù khá tiếc vì không thể mang thêm ý tưởng đến với cuộc thi, nhưng giải Khuyến khích đạt được là động lực để chúng em tiếp tục thực hiện dự án, mở rộng quy mô chăn nuôi. Em cũng hy vọng các bạn trẻ sẵn sàng khởi nghiệp, mạnh dạn, tập trung khai thác tiềm năng địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.