Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế

07:33, 09/02/2022

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Buôn Đôn hiện có 87 chi hội với hơn 10.200 hội viên, trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số chiếm 44,5%.

Thời gian qua, hưởng ứng Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số”, Hội LHPN huyện đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả giúp chị em mạnh dạn phát triển kinh tế, ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tháng 9/2020, Hội LHPN huyện Buôn Đôn đã hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi thỏ tại xã Ea Nuôl với sự tham gia của 16 hộ hội viên là người dân tộc thiểu số. Quy mô của mô hình gồm 160 con thỏ giống, tổng kinh phí thực hiện hơn 80 triệu đồng. Ngoài ra, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 2 hội viên nuôi heo với tổng số tiền 10 triệu đồng.

Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt khâu tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, tìm được đầu ra cho sản phẩm… nên các mô hình nuôi thỏ, nuôi heo đều đạt hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho hội viên.

Chị H’Đen Niê (ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl) chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chỉ nuôi vài con gà, ngan nên không có thu nhập đáng kể. Từ khi được Hội LHPN huyện hỗ trợ và hướng dẫn nuôi heo, từ 5 con heo thịt ban đầu, sau gần 1 năm, gia đình tôi đã bán được 2 lứa, mỗi lứa 4 con; trừ các khoản chi phí, còn lãi hơn 15 triệu đồng. Gia đình tôi đang có kế hoạch sẽ mở rộng chuồng trại để chăn nuôi thêm, phấn đấu, học hỏi cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

Lãnh đạo Hội LHPN huyện Buôn Đôn và xã Ea Nuôl đến thăm mô hình nuôi thỏ của chị H’Đen Niê (bìa phải) ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn

Mô hình chuyển đổi cơ cấu, cây trồng tại xã Tân Hòa cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Từ những cây trồng kém năng suất, đầu năm 2020, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ phụ nữ xã, một số chị em người dân tộc thiểu số đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những loại cây phù hợp với chất đất và khí hậu của địa phương. Việc chuyển đổi cây trồng phát huy được hiệu quả, chị em tham gia mô hình cũng cải thiện được nguồn thu nhập, trung bình hằng năm mỗi hộ có nguồn thu trên 50 triệu đồng. Chị Dương Thúy Diệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa phấn khởi: “Sau gần 2 năm triển khai mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhiều hộ phụ nữ dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn xã biết thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả cao hơn trong phát triển kinh tế gia đình. Chị em hội viên đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và điều kiện kinh tế gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng một diện tích sản xuất".

Qua 2 năm triển khai thực hiện các mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ”, Hội LHPN huyện Buôn Đôn đã triển khai mô hình ở 4/7 xã, có 34 thành viên tham gia, với tổng kinh phí gần 574 triệu đồng. Các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp gia đình hội viên có thêm nguồn thu để cải thiện cuộc sống, góp phần thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm trong sản xuất, chăn nuôi cho người dân tại địa phương.

Mô hình trồng nhãn của chị Hoàng Thị Ngân (bìa trái) ở thôn 7, xã Tân Hòa.

Bà H’Bon Niê, Chủ tịch Hội LHPN huyện Buôn Đôn cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ để lựa chọn thực hiện các mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi của các hộ hội viên. Bên cạnh đó Hội sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các gia đình về vốn, kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa do các hộ sản xuất. Theo kế hoạch, trong năm 2022 Hội LHPN huyện sẽ triển khai mô hình ở cả 7/7 xã trong huyện.

Tú Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.