Multimedia Đọc Báo in

Nông trại du lịch của chàng trai 8X

06:22, 22/02/2022

Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp gắn với du lịch của anh Nguyễn Huy Quang (SN 1988, ở thôn 3, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) đã tạo nên điểm nhấn nổi bật tại địa phương, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch gần xa.

Là nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Ea H’leo, anh Quang được tiếp xúc với nhiều khách hàng vay vốn là bà con nông dân. Anh nhận ra rằng đa phần người dân đều sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, lạm dụng nhiều phân bón hóa học khi chăm sóc cây trồng khiến đất đai bạc màu, năng suất giảm dần từng năm, hiệu quả kinh tế không cao. Với niềm đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ, anh Quang đã nghiên cứu, tìm tòi học hỏi và xây dựng mô hình trang trại nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, anh còn hướng đến mục đích thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với huyện Ea H’leo.

Anh Hồ Văn Trí (bên trái), quản lý của Quang Minh Farm kiểm tra vườn cây.

Năm 2019, anh Quang bàn với gia đình gom góp mua lại gần 50 ha đất liền thửa của người dân tại thôn 3, xã Dliê Yang để quy hoạch làm trang trại nông nghiệp sạch. Đây là khu vực đất cát bạc màu, rất khó canh tác, lâu nay gần như người dân bỏ hoang hoặc trồng những cây ngắn ngày vào mùa mưa. Anh Quang chia sẻ, ban đầu khi mới có ý tưởng mua đất để xây dựng trang trại nông nghiệp, nhiều người dân trong vùng cũng cảm thấy nghi ngại về tính hiệu quả. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, cùng sự giúp sức của một số bạn bè là kỹ sư nông nghiệp, nông trại Quang Minh Farm được hình thành và phát triển trước sự ngỡ ngàng của không ít người.

Các hạng mục trong trang trại được bố trí bài bản, khoa học, tương trợ nhau. Khu vực đất trên cao được phủ xanh bởi 4.000 cây mít Thái, 3.600 cây ổi Nữ Hoàng, 3.000 cây nhãn, 500 cây xoài cát Hòa Lộc… Khu vực đất triền dốc thì trồng các loại hoa, cỏ, tạo cảnh quan. Ở phần đất bằng phẳng phía dưới được xây dựng khu vui chơi, hồ cá koi, chòi nghỉ chân… phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, trang trại còn có khu chăn nuôi riêng với 200 con bò, 50 heo nái lai rừng (mỗi năm sinh sản khoảng 500 heo con)… Điểm nổi bật của Quang Minh Farm là xây dựng quy trình sản xuất khép kín, an toàn cho sức khỏe. Toàn bộ diện tích cây trồng đều được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Các loại cây trồng đều được chăm sóc theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên để tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Chất thải vật nuôi được ủ dùng để nuôi giun quế; phân giun quế lại bón trở lại cho cây trồng; giun quế một phần được sấy khô làm thức ăn chăn nuôi.

Nhờ được đầu tư bài bản, quy trình sản xuất hợp lý, tiết kiệm tối đa các chi phí đầu vào nên sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Quang Minh Farm đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ quy trình nuôi giun quế, mỗi năm, trang trại có khoảng 100 tấn phân hữu cơ bón cho cây trồng và cải tại đất. Quá trình trồng trọt không sử dụng hóa chất nên chất lượng nông sản đảm bảo, đầu ra sản phẩm luôn ổn định. Mỗi năm, trang trại còn xuất bán khoảng 6,5 tấn heo rừng; 80 con bò thịt, thu về 1,4 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Quang Minh Farm đã mở cửa đón khách tham quan, du lịch trải nghiệm. Bình quân mỗi năm thu hút hơn 30.000 lượt khách. Cao điểm các dịp lễ, Tết có thể đón tới 5.000 lượt khách/ngày, với mức vé 20.000 đồng/lượt khách.

Hoạt động vui chơi tại Quang Minh Farm thu hút đông đảo người dân trên địa bàn đến tham gia.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Quang còn tạo công ăn việc làm thường xuyên và thời vụ cho 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Hiện tại, anh Quang đang tiếp tục xuống giống một số loại hoa và đầu tư thêm các nhà nghỉ dưỡng, ăn uống… để kịp phục vụ khách tham quan dịp Lễ 30/4 và 1/5 sắp tới. Nói về định hướng trong thời gian tới, anh Quang cho biết sẽ hướng tới việc phát triển du lịch bài bản hơn bằng việc đầu tư, quy hoạch lại các khu vực trải nghiệm như khu picnic, cắm trại, tạo nên các sản phẩm và dịch vụ để du khách có thể ở lại lâu hơn cùng tham gia làm nông nghiệp, thu hoạch và thưởng thức trái cây sạch tại vườn.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo Bùi Công Lăng cho hay, từ mong muốn phát triển dự án nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch, anh Quang đã có những thành công bước đầu tạo nên sản phẩm nông nghiệp phù hợp với xu thế của thị trường. Ngoài ra, anh cũng liên kết với những người dân trên địa bàn để cùng mở rộng, phát triển mô hình nông nghiệp mới, xanh, an toàn hơn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.