Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên
Bên ly cà phê đầu xuân, với chủ đề “Bí quyết gọi vốn Shark Tank thành công và đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên huyện Buôn Đôn cùng các khách mời là lãnh đạo huyện, các doanh nghiệp, chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã diễn ra sôi nổi.
Chị Nguyễn Lê Thanh Thảo, Giám đốc Marketing của Khu du lịch Sinh thái Bản Đôn - Thanh Hà là một trong những khách mời truyền cảm hứng của buổi gặp mặt. Tiếp nối sự nghiệp của gia đình, chị có niềm đam mê bất tận đối với văn hóa truyền thống dân tộc. Hơn 20 năm trước, từ những lần tiếp xúc, tìm hiểu văn hóa, bố mẹ chị đã quyết tâm biến vùng thác Bảy Nhánh trở thành khu du dịch để khai thác vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của cảnh vật cũng như lưu giữ, phát huy nét đẹp văn hóa địa phương.
Khách mời Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Xã hội Bồ Công Anh chia sẻ, truyền cảm hứng cho thanh niên huyện Buôn Đôn trong buổi “Cà phê khởi nghiệp” đầu xuân. Ảnh: P.Thảo |
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Khu du lịch Sinh thái Bản Đôn - Thanh Hà đã trở thành một trong những lựa chọn của rất nhiều du khách đến huyện Buôn Đôn. Chị Thảo chia sẻ, huyện Buôn Đôn có gần 20 dân tộc đang sinh sống, có sự giao thoa, đa dạng về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán. Đây chính là những lợi thế để các bạn trẻ khởi nghiệp và góp sức vào sự phát triển chung của ngành du lịch huyện nhà. Mỗi người đều có thể trở thành một hướng dẫn viên, một đại sứ du lịch trên mảnh đất này, ghi dấu ấn với du khách về vùng đất có thiên nhiên hùng vĩ, con người hiền hòa, ẩm thực độc đáo… để du khách luôn muốn quay trở lại thêm nhiều lần nữa cũng như mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề khác cùng phát triển.
CLB Khởi nghiệp sáng tạo huyện Buôn Đôn được thành lập từ tháng 7/2021 với 10 thành viên. Các thành viên CLB đang phát triển sản xuất hiệu quả từ những sản phẩm thế mạnh của địa phương như: sữa dê, ốc nhồi, cam, quýt, ớt công nghệ cao... |
Là một người gọi thành công số vốn 100.000 USD đổi lấy 25% cổ phần từ 5 nhà đầu tư tại Chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa 4, startup Phan Bảo Long, Kiện tướng thể hình quốc gia, nhà sáng lập của LMS Academy - Giảm cân chuẩn y khoa đã chia sẻ những trải nghiệm thực tế, tạo động lực cho thanh niên trở thành một startup.
Trước đây, khi còn là giảng viên Khoa Y, chuyên ngành Hóa sinh của Trường Đại học Tây Nguyên, anh quan sát thấy rằng, tất cả các bệnh nhân đến bệnh viện đều ra về với một túi thuốc và một đơn thuốc có ghi chú bên dưới là “bạn cần thay đổi chế độ ăn và dinh dưỡng”, nhưng bệnh nhân không biết làm như thế nào. Vì thế, anh đã nảy ra ý tưởng sẽ cung cấp cho bệnh nhân một sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ dinh dưỡng và phương pháp luyện tập giúp điều trị và cải thiện bệnh lý của họ. Thời điểm gọi vốn, công ty của anh chỉ có 7 thành viên, đến nay quy mô công ty đã tăng lên 80 nhân sự và đạt doanh thu 3 – 5 tỷ đồng/tháng. Anh Phan Bảo Long nhấn mạnh với các bạn trẻ: “Khi gọi vốn chúng ta phải trình bày được ý tưởng, con số cụ thể, chiến lược marketing, quản lý dòng vốn… Đồng thời, phải lập ra một bản kế hoạch thật chi tiết và có điểm nhấn để gây ấn tượng với các nhà đầu tư. Điều cần làm chính là phải thật sự nỗ lực phát triển ý tưởng, tạo chất lượng cho sản phẩm và luôn kiên định với mục tiêu mình hướng đến”.
Anh Hồ Thế Mỹ (bìa phải), thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo huyện Buôn Đôn khởi nghiệp thành công với sản phẩm măng tây. Ảnh: P.Thảo |
Buổi chia sẻ này là số “Cà phê khởi nghiệp” đầu tiên do Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo huyện Buôn Đôn (CLB) tổ chức. Trong buổi trao đổi, các khách mời, cố vấn cũng đã giải đáp, định hướng cho thanh niên nhiều vấn đề trong quá trình khởi nghiệp như: vốn đầu tư, nhân công, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống… giúp thanh niên thêm tự tin khởi nghiệp với ý tưởng và thế mạnh của mình.
Anh Y Nô Ly Kbuôr, Trưởng Nhóm nhạc cụ dân tộc Lào (xã Krông Na) phấn khởi bày tỏ: “Tham gia buổi chia sẻ, mình học hỏi thêm nhiều điều, có niềm tin hơn trong việc tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhóm cũng nhận được sự kết nối, giúp đỡ của Khu du lịch Sinh thái Bản Đôn - Thanh Hà và Khu du lịch Sinh thái Troh Bư để đưa nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với khách du lịch trong thời gian tới”.
Theo kế hoạch, CLB sẽ triển khai mỗi tháng một buổi trao đổi với các chủ đề khởi nghiệp như: marketing online, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, chế biến nông sản sâu… Đây không chỉ là nơi để thanh niên huyện Buôn Đôn học hỏi kinh nghiệm mà còn là cầu nối để thanh niên bày tỏ tâm tư, kết nối với các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại từ các đơn vị, tổ chức, qua đó khích lệ và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của thanh niên địa phương.
Đinh Nga - Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc