Multimedia Đọc Báo in

Vùng chuyên canh lúa huyện Lắk: Phấp phỏng nỗi lo sạt lở

07:36, 09/02/2022

Nằm bên lưu vực sông Krông Ana, vùng chuyên canh lúa thuộc các xã Buôn Tría, Buôn Triết (huyện Lắk) được bồi đắp một lượng phù sa lớn. Thế nhưng nông dân vùng này cũng luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở bờ sông, ngập lụt ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

Cuối tháng 12/2021 vừa qua, vào thời điểm gieo sạ vụ đông xuân 2021 - 2022, nước sông Krông Ana dâng cao làm tuyến đê bao trên địa bàn hai xã Buôn Tría, Buôn Triết bị vỡ khiến hàng trăm héc-ta lúa mới xuống giống của người dân bị ngập úng.

Chị Bùi Thị Nhi (thôn Buôn Tría, xã Buôn Tría) than vãn: "Người tính không bằng trời tính", cuối tháng 12 vừa rồi, gia đình chị chủ động gieo trồng sớm hơn dự định đối với 2 ha lúa vụ đông xuân 2021 - 2022. Thế nhưng xuống giống mới được một ngày thì nước sông Krông Ana dâng cao bất ngờ gây ngập lụt toàn bộ diện tích của gia đình và nhiều hộ dân khác. Ước tính thiệt hại khoảng 4 tạ lúa giống, cộng với công làm đất, gieo sạ coi như công cốc, phải làm lại từ đầu.

Thời điểm đó, vợ chồng chị cùng các tổ chức đoàn thể tại địa phương đã tham gia ngày công lấy đất gia cố tạm thời các vị trí sạt lở dọc bờ sông. Hiện nay, toàn bộ diện tích của gia đình chị đã gieo trồng lại, lúa đang phát triển tốt nhưng chị vẫn thấy lo lắng vì những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, nguy cơ mất mùa là không lường trước được.

Khu vực sạt lở ở vùng sản xuất lúa xã Buôn Tría (huyện Lắk) vào cuối tháng 12/2021.

Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Tría Vũ Xuân Thọ thông tin, vụ đông xuân 2021 - 2022, tổng diện tích gieo trồng của địa phương khoảng 920 ha. Cuối tháng 12/2021 do mưa lớn, một số đoạn bờ sông Krông Ana bị sạt lở, nước tràn vào các cánh đồng sản xuất lúa trên địa bàn, làm thiệt hại 287 ha. Trong đó, vị trí bị sạt lở nhiều nhất là đoạn gần suối Cụt giáp với xã Đắk Liêng, chiều dài sạt lở khoảng 30 - 40m. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã huy động máy móc, người dân để gia cố các vị trí sạt lở.

Tương tự, tại xã Buôn Triết, cuối tháng 12/2021 vừa qua cũng ghi nhận 5 vị trí sạt lở dọc bờ sông Krông Ana, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình sản xuất của người dân. Theo thống kê, có trên 700 ha lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 của bà con địa phương bị thiệt hại trong đợt mưa lớn vào thời gian trên. Sau khi nắm bắt tình hình, UBND xã đã huy động lực lượng dân quân và bà con tiến hành gia cố, đắp tạm thời các vị trí sạt lở để bảo đảm an toàn trước mắt và gieo sạ lại vụ lúa đông xuân 2021 - 2022. Còn về lâu dài, địa phương mong muốn Nhà nước sớm đầu tư hệ thống đê bao khu vực sông Krông Ana qua địa bàn huyện Lắk để bà con yên tâm sinh sống, sản xuất.

Bà Đoàn Thị Tươi, nhà ở thôn Hợp Thành, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) có 7 ha đất canh tác ở cánh đồng 8/4 thuộc xã Buôn Triết buồn rầu cho hay, hơn 20 năm canh tác tại đây, hầu như mùa mưa năm nào cũng xảy ra tình trạng ngập lụt, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. Song năm 2021, gia đình bà bị thiệt hại lớn nhất. Vụ hè thu 2021 còn 3,5 ha tầm nửa tháng nữa là thu hoạch thì mưa lớn nhấn chìm toàn bộ dẫn tới mất trắng.

Mới đây, gia đình ủ hơn 7 tạ giống chuẩn bị gieo sạ cho vụ đông xuân 2021 -2022 thì nước dâng cao bất ngờ nên buộc phải phơi khô toàn bộ mộng để làm thức ăn cho gà, vịt. Thiệt hại về vốn liếng, công sức bỏ ra đã đành, việc ngập úng còn khiến thời gian gieo trồng bị ảnh hưởng, bởi vụ đông xuân nếu xuống giống muộn sẽ kéo theo kế hoạch vụ hè thu kéo dài, nguy cơ gặp lũ tiểu mãn trong vụ này là khó tránh khỏi.

Không chỉ diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng, khu vực nhà tạm của gia đình bà cũng bị đe dọa mỗi khi nước sông dâng cao. Không biết bao nhiêu lần nhà bà phải nhờ bà con, anh em hỗ trợ vận chuyển máy móc, đồ đạc để chạy lũ.

Vị trí sạt lở ở cánh đồng 8/4 qua địa bàn xã Buôn Triết (huyện Lắk) được chính quyền địa phương và người dân gia cố tạm thời.

Hiện nay, tất cả vị trí sạt lở, khu vực xung yếu đã được chính quyền địa phương và người dân gia cố, toàn bộ diện tích gieo trồng lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 đã được bà con gieo sạ được hơn nửa tháng.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, bởi để bảo đảm an toàn tính mạng cũng như hoạt động đi lại, sản xuất của người dân dọc bờ sông Krông Ana thì việc xây dựng hệ thống đê bao kiên cố là yêu cầu cấp thiết.

Hằng năm, tổng diện tích cây lương thực toàn huyện Lắk khoảng 18.000 ha, trong đó chủ yếu cây lúa nước. Diện tích trồng lúa tập trung nhiều ở các xã nằm dọc sông Krông Ana như Buôn Tría, Buôn Triết và Đắk Liêng…

Hiện nay, trên địa bàn huyện chưa được đầu tư hệ thống đê bao nên nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mùa mưa đến thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống sinh hoạt của người dân.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.