Xăng dầu liệu có thiếu?
Trước tình hình cung ứng xăng dầu diễn ra hết sức phức tạp, nhiều cây xăng tạm nghỉ, ngừng hoạt động do không có hàng để bán, Bộ Công thương chỉ đạo cần làm rõ vấn đề này.
Nhiều cây xăng dầu tạm nghỉ
Theo Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, tính đến chiều 9/2, trên địa bàn tỉnh có 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm nghỉ, ngừng hoạt động với lý do chủ yếu là thiếu nguồn cung. Tạm ngừng hoạt động nhiều chủ yếu là cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các huyện - nơi có nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu để tưới cho cây trồng mùa khô tăng cao tại thời điểm này.
Ghi nhận tại huyện Cư M’gar có đến 9 cửa hàng xăng dầu tạm nghỉ, dừng hoạt động với lý do hết xăng dầu; tại huyện Krông Năng có 4 cửa hàng xăng dầu tạm nghỉ, lý do được đưa ra là hết xăng dầu, cò bơm bị hư, chủ cơ sở và nhân viên bị bệnh.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại thị xã Buôn Hồ. |
Trước tình trạng trên, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã bố trí lực lượng, giao các đội quản lý địa bàn xác minh, kiểm tra hệ thống đo đếm, kho, bồn chứa của từng cửa hàng đã tạm đóng cửa không bán hàng hoặc treo biển “hết xăng”. Qua kiểm tra thực tế, trong kho, bồn chứa tại các cửa hàng này đã hết hàng. Cục tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình nguồn cung và yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh mở bán, phục vụ người tiêu dùng địa phương khi đã nhập đủ lượng xăng dầu, chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh lĩnh vực này. “Đối với những trường hợp còn hàng nhưng cố tình găm hàng thì Cục sẽ xử lý quyết liệt, đến cùng. Cục cũng sẽ truy nguồn gốc, nguồn cung. Nếu có hiện tượng găm hàng tăng giá sẽ xử lý theo quy định, hình thức cao nhất là tước giấy phép”, ông Giao Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk khẳng định.
Theo Sở Công thương, hiện nay, các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, do vậy đã xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu, Sở Công thương đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu và các thương nhân phân phối xăng dầu chủ động về nguồn hàng, không để gián đoạn, thiếu hụt nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, nhất là phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tưới tiêu của người dân trong thời gian tới. |
Doanh nghiệp kêu lỗ
Nguồn xăng dầu trên địa bàn tỉnh hiện được cung ứng bởi 21 doanh nghiệp (DN) đầu mối, trong đó có 5 DN đầu mối trong tỉnh, 16 DN đầu mối ngoài tỉnh. Đắk Lắk hiện có 340 DN kinh doanh xăng dầu và 457 cửa hàng xăng dầu.
Theo các chủ DN kinh doanh xăng dầu, cứ mỗi lít xăng dầu đang bán ra thị trường, DN bị lỗ từ 100 - 500 đồng/lít, chưa tính các khoản chi phí lương nhân viên, điện, khấu hao, hao hụt... Riêng xăng loại Ron A95-III hiện là loại xăng có sức tiêu thụ nhiều nhất nhưng do đang phải bù lỗ nên các cơ sở kinh doanh chỉ bán hàng tồn kho từ đợt nhập hàng hóa lần trước, nhập được thêm đến đâu bán đến đó.
Ông Lê Văn Quý, chủ DN tư nhân Quý Điều (huyện Krông Năng) cho hay, một số cây xăng trên địa bàn tạm đóng cửa, nghỉ bán nên khách đổ dồn về cửa hàng của ông để mua. Mấy ngày nay, lượng xăng bán ra tăng gấp đôi so với bình thường, dù mỗi lít xăng bán ra thời điểm này, ông đã lỗ 650 đồng. Biết là càng bán càng lỗ nhưng để bảo đảm kinh doanh theo đúng quy định và giữ chân khách hàng, cửa hàng vẫn phải mở cửa bán bình thường. “Tuy nhiên, đã 3 ngày nay, tôi gọi đầu mối nhập hàng nhưng chưa có. Lượng hàng tồn trong kho đã sắp cạn kiệt. Nếu những ngày tới không nhập được hàng thì cửa hàng cũng đành phải đóng cửa, tạm nghỉ bán”, ông Quý nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên - đơn vị đang cung ứng xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng sản lượng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh cho biết, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên tạo ra “cơn sốt” xăng dầu trên địa bàn. Dịp Tết Nguyên đán trùng với mùa khô Tây Nguyên nên sức mua tại đơn vị tăng 50 - 60% so với những năm trước, càng tạo áp lực lên nguồn cung. Trong điều kiện khó khăn về nguồn cung, DN chủ động tạo nguồn trái tuyến, điều này khiến chi phí tăng lên nhiều, thậm chí có địa bàn bán ra lỗ đến 1.000 đồng/lít, nhưng đơn vị cam kết bảo đảm cân đối đủ, liên tục, đáp ứng cung ứng cho 100% hệ thống các cửa hàng, đại lý trực thuộc, phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Có “nghịch lý” thị trường xăng dầu?
Không chỉ tỉnh Đắk Lắk, tại một số địa phương khác trong cả nước cũng xảy ra tình trạng cây xăng thông báo hết hàng, tạm ngừng bán.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh xăng dầu tại một cửa hàng ở huyện Krông Pắc. |
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương, DN lớn về bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trên thị trường diễn ra chiều 9/2, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, nguồn cung xăng dầu hiện tại đủ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân, dù có “trục trặc” do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất. Theo tính toán của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hiện nhu cầu mỗi tháng cả nước dùng khoảng 1,8 - 2 triệu m3 xăng dầu các loại. Trong khi đó, tổng hợp của Vụ này cho thấy đến cuối tháng 1, các DN đầu mối còn tồn trong kho 1,3 triệu m3 (trong đó xăng còn 620.000 m3 và dầu diesel là 650.000 m3). Đó là chưa kể tồn kho trong các thương nhân phân phối, đại lý cho nên nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng thị trường đến hết tháng 2/2022.
Trước tình hình cung ứng xăng dầu tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu khan hiếm, "truy đến cùng" xem khan hàng là do cửa hàng không bán hay do không được cấp hàng đầy đủ từ hệ thống phân phối, doanh nghiệp đầu mối. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công thương tiến hành tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.
Nêu ý kiến tại cuộc họp trực tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường xăng dầu. Trường hợp phát hiện cửa hàng găm hàng, tăng giá, sẽ xử lý nghiêm khắc, quyết liệt. Đồng thời cũng kiến nghị Bộ Công thương cần có đánh giá sát hơn nữa tình hình cung cầu thị trường, nhất là cần linh hoạt trong điều hành giá.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc