Tăng khả năng cạnh tranh nhờ kết hợp bán hàng truyền thống và online
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, kinh doanh online càng có lợi thế và mở ra thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh. Xu hướng kết hợp giữa kinh doanh online và kênh phân phối truyền thống đang mở ra hướng phát triển hiệu quả hơn cho các đơn vị kinh doanh.
Mấy năm trở lại đây, việc mua hàng qua mạng hay thậm chí đi chợ... trên Internet không còn xa lạ với người tiêu dùng. Nhu cầu mua sắm trực tuyến càng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh người dân hạn chế ra ngoài để phòng dịch COVID-19. Các DN kinh doanh cũng đầu tư, chăm chút hơn cho hoạt động quảng cáo, xây dựng website bán hàng chuyên nghiệp, các kênh bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo.
Nhân viên Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột soạn đơn hàng online cho khách. |
Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho hay, trước đây, chỉ những mặt hàng phi thực phẩm, hóa phẩm thường được khách đặt mua hàng online, thì nay, hầu hết các mặt hàng đều được giao dịch online, trong đó, hàng thực phẩm được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến khá phổ biến. Tuy nhiên, ở trạng thái bình thường, việc đến tham quan, mua sắm trực tiếp tại siêu thị vẫn chiếm ưu thế, được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Do đó, hai hình thức bán hàng này vẫn được siêu thị duy trì.
Áp dụng mô hình kinh doanh truyền thống kết hợp online, cửa hàng thực phẩm của Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê thường xuyên cập nhật các thông tin, hình ảnh, danh mục sản phẩm, chương trình ưu đãi trên trang Fanpage, Facebook, Zalo... Trong bối cảnh việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, DN vẫn duy trì được doanh số bán hàng lạc quan. Dù việc kinh doanh online có doanh số khá tốt, nhưng cuối năm 2021, công ty vẫn mở thêm một ki ốt bán hàng tại chợ Phan Chu Trinh (phường Tân Lợi), nâng số cửa hàng cố định lên 4 điểm bán hàng ở TP. Buôn Ma Thuột. Ông Võ Văn Tú, Giám đốc công ty cho hay, vì là mặt hàng thực phẩm nên có những khách hàng rất kỹ tính, họ phải đến tận nơi xem hàng, tận tay chọn rồi mới quyết định mua. Nhưng cũng có một bộ phận khách hàng khác thì ưa thích sự tiện lợi, nhanh chóng nên họ đặt hàng online. Do đó, mô hình bán hàng tại các điểm cố định và đẩy mạnh mảng kinh doanh trực tuyến đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách khác nhau. Song, chất lượng sản phẩm và uy tín phải được đơn vị đặt lên hàng đầu thì mới tiếp tục có được đơn hàng tiếp theo, nhất là trong bán hàng online. Hiện tại, việc kinh doanh ở cửa hàng, đơn hàng trực tiếp và online chiếm tỷ lệ 60/40.
Khách mua hàng trực tiếp tại cửa hàng thực phẩm Nụ cười Ban Mê. |
Để có thể duy trì thu nhập trong điều kiện dịch bệnh, thay vì ngồi chờ khách đến mua, nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống cũng đã tham gia bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Chị Nguyễn Thị Phương, kinh doanh quần áo ở chợ trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, khách đến chợ vắng vẻ khiến chị cũng phải thay đổi dần phương thức kinh doanh cho phù hợp với xu thế. Chị tập tành chụp ảnh, quay video, đưa sản phẩm lên các trang mạng xã hội để bán và nhận tiền qua chuyển khoản. Chị Phương khẳng định, phương thức kinh doanh truyền thống vẫn là chủ đạo, song khi mở thêm một hình thức kinh doanh mới cũng mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Việc bán hàng song song hai phương thức trên giúp chị tiếp cận khách hàng nhiều hơn, trong khi không cần quá nhiều vốn để nhập sẵn nhiều mặt hàng mà vẫn có thể bán được hàng.
Theo Sở Công thương, xu hướng bán hàng đa kênh đang được nhiều DN, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh lựa chọn để nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Hằng năm, Sở đều tổ chức các lớp tập huấn thương mại điện tử cho DN, hộ kinh doanh trên địa bàn và hỗ trợ bán hàng thông qua các sàn giao dịch điện tử để phù hợp với xu thế bán hàng đa kênh như hiện nay, góp phần hiện đại hóa hoạt động thương mại trên địa bàn.
Theo các chuyên gia, bán lẻ đa kênh là hình thức mới, kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử. Mô hình này cho phép kết nối liền mạch việc trải nghiệm mua sắm ở cửa hàng truyền thống và kênh bán hàng trực tuyến. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, tốc độ thay đổi nhanh của công nghệ, các DN bán lẻ cần phải có chiến lược phát triển mới để tăng tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh.
Có thể thấy, việc linh hoạt nắm bắt xu thế tiêu dùng và thích ứng để mang lại hiệu quả trong kinh doanh là mục tiêu hướng đến của các DN trong cuộc cạnh tranh giành lấy thị trường. Một thực tế cho thấy, nếu biết chú trọng đến chất lượng, giữ uy tín và chịu thay đổi để tồn tại thì DN vẫn có thể phát triển bền vững dù trong thời buổi kinh doanh khó khăn như hiện nay.
Kinh doanh truyền thống và kinh doanh online đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt và khó phân biệt hình thức nào lợi thế hơn. Mỗi mô hình kinh doanh có những ưu việt riêng. Trên thực tế, việc kết hợp giữa hai mô hình kinh doanh này đang được nhiều DN, hộ kinh doanh lựa chọn và đem lại hiệu quả cao hơn trong bán hàng. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc