Multimedia Đọc Báo in

Dẹp "loạn" đất nông nghiệp (Kỳ 3)

08:06, 01/04/2022

Kỳ cuối: Lập lại trật tự đất đai, xây dựng: Không có vùng cấm

Trước thực trạng hàng loạt vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh, với quan điểm “không có vùng cấm” trong xử lý.

Tháo dỡ hàng trăm công trình trái phép

Qua số liệu báo cáo kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về công tác quản lý trật tự xây dựng, sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố cho thấy, hiện nay tình hình vi phạm về lĩnh vực này có chiều hướng gia tăng trở lại.

Trước thực trạng này, các xã, phường của thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm. Theo đó, hàng trăm công trình xây dựng trái phép, chủ yếu công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đã buộc phải tháo dỡ, hoặc cưỡng chế tháo dỡ.

Cụ thể, năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra 1.945 công trình, phát hiện 224 trường hợp vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm gần 2 tỷ đồng. Cùng với biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, lực lượng chức năng bắt buộc khắc phục hậu quả, đến thời điểm hiện tại, đã có 109 trường hợp khắc phục hậu quả bằng cách tự nguyện tháo dỡ hoặc cưỡng chế, còn lại 115 trường hợp chưa khắc phục.

Lãnh đạo xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra việc tháo dỡ một công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp: Ảnh: Minh Hoàng

Tại xã Ea Kao - một trong những địa phương “nóng” tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, thời gần đây, chính quyền địa phương đã thực hiện quyết liệt, xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm.

Dẫn phóng viên đi kiểm tra thực tế một công trình nhà ở xây dựng trên đất rẫy, Chủ tịch UBND xã Ea Kao Phan Văn Trường cho biết, khi phát hiện tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép sẽ tiến hành đình chỉ ngay, đồng thời thông báo lần 1, lần 2 vận động, tuyên truyền tự nguyện tháo dỡ. Trường hợp không khắc phục sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định. Qua công tác thanh tra phát hiện 48 trường hợp vi phạm, đến nay đã xử lý được 24 trường hợp, số còn lại đang chỉ đạo khắc phục.

 

“Từ nay đến ngày 30/6/2022, các xã, phường trên địa bàn phải khắc phục xong cưỡng chế vi phạm hành chính về quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Đồng thời tăng cường kiểm tra các hành vi vi phạm khác, trong đó, hành vi xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch phải xử lý trước. Không có chuyện tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trái phép rồi buộc thành phố đưa vào quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm hợp thức hóa vi phạm”.

Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột  Vũ Văn Hưng

Hiện nay, khó khăn của xã Ea Kao là địa bàn quản lý rộng, một số công trình xây dựng tiếp giáp xã, phường khác, nằm sâu trong hẻm, khu vực nương rẫy nên việc kiểm tra, phát hiện chưa kịp thời. Thêm vào đó, một số trường hợp vi phạm là hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, không còn chỗ ở nào khác.

Hiện toàn xã có 9 hộ dân tộc thiểu số vi phạm về xây dựng trên đất nông nghiệp, những trường hợp này địa phương phải xin ý kiến chỉ đạo của thành phố. “Lần đầu tiên chúng tôi đã xây dựng nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ xã về quản lý đất đai, xây dựng, trong đó phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác này, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và sự tham gia của các hội, đoàn thể”, ông Trường nhấn mạnh.

Đại diện UBND xã Cư Êbur cũng thừa nhận: Cư Êbur là một trong những địa bàn rất phức tạp về tình hình đất đai, trật tự xây dựng. Trước đây, việc xây dựng công trình trái phép chủ yếu là các hộ dân, cá nhân thì hiện nay “nóng” lên tình trạng mở đường, phân lô trên đất nông nghiệp. Mới đây qua kiểm tra, phát hiện có 12 trục đường trên địa bàn xã xảy ra tình trạng phân lô đất nông nghiệp để bán. Địa phương đã lập biên bản xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm

Theo đánh giá của UBND TP. Buôn Ma thuột, hiện nay, công tác quản lý về trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Cụ thể, người đứng đầu chính quyền địa phương, cán bộ công chức được giao nhiệm vụ đã nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Tuy nhiên, việc xử lý của các phường, xã có lúc chưa kịp thời, thiếu triệt để, dẫn đến nhiều công trình xây dựng trái phép vẫn mọc lên.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các xã, phường tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Do đó, còn để buông lỏng trong kiểm tra, xử lý việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đơn cử ở một số địa bàn như phường Thành Nhất, xã Ea Kao, Cư Êbur...

San ủi đường để phân lô đất nông nghiệp tại xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Minh Hoàng

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề mới đây về đất đai, xây dựng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết, hiện nay tình hình vi phạm về quản lý trật tự đô thị và đất đai, xây dựng rất phức tạp. Do đó, địa phương phải tăng cường quản lý theo quy hoạch mới phát triển được thành phố. Nếu không kịp thời ngăn chặn, thì một, hai năm nữa, TP. Buôn Ma Thuột sẽ bị phá vỡ hết quy hoạch.

Quan điểm của thành phố là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, vừa để răn đe các địa phương có sai phạm, đồng thời ngăn chặn những địa phương khác. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ thanh tra, xử lý nghiêm. Người đứng đầu địa phương không làm được điều này sẽ xem xét trách nhiệm.

Mới đây, qua thanh tra công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, đã phát hiện một số địa phương có sai phạm nghiêm trọng, thậm chí có nơi rất nghiêm trọng. Thành phố phải lập hội đồng kỷ luật để xử lý kỷ luật, gắn với các sai phạm của những lãnh đạo tại các địa phương.

Hiện UBND thành phố cũng đã ban hành văn bản phê bình, kiểm điểm đối với UBND các phường, xã Tân Lập, Tân Lợi, Hòa Thắng và thành lập Đoàn thanh tra trách nhiệm công tác quản lý về trật tự xây dựng, sử dụng đất đai đối với phường Thành Nhất và xã Ea Kao; tiếp tục tổ chức thanh tra trách nhiệm đối với UBND xã Cư Êbur do để xảy ra các trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, mở đường trái phép với chiều hướng gia tăng và nghiêm trọng, nhưng không lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính hoặc có lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính nhưng không tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Nhóm PV Kinh tế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.