Multimedia Đọc Báo in

Du lịch huyện Lắk trên đà phục hồi

07:16, 27/04/2022

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch huyện Lắk dần lấy đà phục hồi, lượng khách trong nước đến tham quan nhộn nhịp hơn trước.

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, các điểm, khu du lịch trên địa bàn huyện Lắk bắt đầu đón khách trở lại với nhiều tín hiệu lạc quan.

Quan sát tại các khu du lịch ven hồ Lắk, suối đá Đắk Phơi, Biệt điện vua Bảo Đại… 3 tháng đầu năm 2022, lượng khách nội địa đến tham quan du lịch trên địa bàn huyện bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Điểm nhấn trong hoạt động du lịch huyện Lắk từ đầu năm đến nay là các tour trải nghiệm, gần gũi với núi rừng, thiên nhiên hay văn hóa của người M’nông.

Theo chia sẻ của anh Y Xim Ndu – một bạn trẻ hoạt động trong ngành du lịch tại huyện Lắk, vài năm trở lại đây, du lịch trải nghiệm được nhiều khách lựa chọn. Khi đến với loại hình du lịch này, du khách sẽ không có những nhà hàng, khách sạn "sang chảnh" để chụp ảnh "sống ảo", thay vào đó là những vùng rừng núi xa xôi, những thác nước tuôn trào và con suối nhỏ uốn quanh qua những buôn làng, gần gũi với thiên nhiên, được cảm nhận cảnh đẹp mộc mạc, hoang sơ, bình dị...

Ở huyện Lắk có nhiều điểm du lịch trải nghiệm, khám phá vô cùng lý thú như đỉnh núi Chư Yang Lắk với độ cao 1.700 m, tọa lạc trên một dãy núi cao, phía dưới chân núi là đồng bằng hồ Lắk rộng lớn bao quanh các buôn làng của người M'nông; hay thác Liêng Puh Pêt ở xã Krông Nô được bắt nguồn từ những mạch nước ngầm chảy ra từ các khe đá trên đỉnh núi và hợp lưu tạo thành dòng thác, gồm có ba tầng và trải dài gần 2 km…

Không chỉ là đi leo núi "săn" mây, khi đặt tour trải nghiệm, du khách còn được tìm hiểu thêm về văn hóa tín ngưỡng, thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc biệt là hòa mình trong những nhịp chiêng ngân vang của đồng bào M’nông tại chỗ.

Du khách leo núi đến tham quan thác Liêng Puh Pêt ở xã Krông Nô, huyện Lắk.

Cùng với du lịch trải nghiệm, các hoạt động du lịch cộng đồng ven hồ Lắk cũng dần được khôi phục. Nhiều du khách đến với huyện Lắk để thư giãn, tìm hiểu về những buôn làng bên hồ Lắk thơ mộng, khám phá nghề nuôi voi, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người M’nông. Chị Nguyễn Thị Thủy đến từ xã Ea Toh (huyện Krông Năng) chia sẻ, hơn hai năm nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên gia đình chị ngại dịch chuyển. Nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát, điểm tham quan đầu tiên của gia đình chị là đến với hồ Lắk. Với khoảng thời gian một ngày, các thành viên trong gia đình chị đã có dịp cùng ngắm cảnh hồ Lắk, gần gũi với chú voi Khăm Sen, trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm dưới nhà cộng đồng buôn Lê, khám phá những ngôi nhà dài truyền thống của người M’nông ở buôn Jun, buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk). Dù thời gian không nhiều, nhưng những chuyến du lịch nội tỉnh thế này đã mang đến cho chị và các con những trải nghiệm vô cùng hữu ích. Qua chuyến du lịch này, chị mong rằng các con của mình sẽ hiểu nhiều hơn về phong tục, tập quán và văn hóa của người M’nông tại huyện Lắk.

Du khách chinh phục đỉnh Yang Lắk. Ảnh: Y Xim

Bà H’Loan Bdap, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lắk cho biết, 3 tháng đầu năm 2022, huyện Lắk đón hơn 4.600 lượt khách du lịch đến tham quan, đạt doanh thu 2 tỷ đồng. Đây là con số đáng mừng sau thời gian dài ngành du lịch địa phương chịu tác động bởi dịch COVID-19. Dự báo thời gian tới, đặc biệt vào dịp Lễ 30/4 và 1/5 lượng khách đến tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch trên địa bàn huyện Lắk sẽ tăng cao.

Để huyện Lắk trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, nhất là trong tình hình mới, Phòng đề nghị các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết như hàng hóa, duy trì tốt việc chấp hành các quy định về bình ổn giá cả, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại những điểm tham quan, du lịch.

Bên cạnh đó, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn để “níu chân" du khách, trong đó chú trọng gắn với nét đặc trưng về bản sắc, văn hóa truyền thống của người M’nông sinh sống trên địa bàn.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.