Nâng cao sức khỏe và phúc lợi cho đàn voi nhà
UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á (AAF) dự thảo “Bảng ghi nhớ chuyển đổi mô hình sử dụng voi nhà”, tiến đến cam kết triển khai các hoạt động cần thiết để dần chấm dứt loại hình du lịch cưỡi voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến sức khỏe, phúc lợi của đàn voi nhà từ nay cho đến năm 2025, hoặc có thể sớm hơn.
Về phía AAF sẽ hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk triển khai các mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi và hỗ trợ tài chính để thực hiện mô hình này nhằm bồi dưỡng sức voi, đặc biệt là những cá thể voi trong độ tuổi sinh sản. Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, từ đầu năm 2020, cơ quan này đã phối hợp với Sở VH-TTDL cùng các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng phương án, mô hình/sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi” nhằm giảm thiểu tối đa tác động trực tiếp của con người đối với voi, góp phần bảo tồn và phát triển đàn voi nhà. Đây là định hướng của tỉnh trong thời gian tới nên cần chuẩn bị kỹ các điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất cũng như lộ trình để thực hiện mô hình trên.
Đàn voi nhà của Vườn Quốc gia Yok Đôn được chọn làm điểm mô hình "Du lịch thân thiện với voi". Ảnh: Vũ Đức Giỏi |
Theo đó, Sở NN-PTNT đã giao Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk chủ trì, nghiên cứu xây dựng mô hình, đồng thời chủ động trao đổi với các tổ chức phi chính phủ nhằm hợp tác, nghiên cứu đề xuất phương thức thực hiện. Đến nay, AAF đã và đang thực hiện thí điểm mô hình “Du lịch thân thiện với voi” tại Vườn Quốc gia Yok Đôn từ tháng 10/2020. Sau gần hai năm hoạt động, mô hình này đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của cộng đồng, nhất là khách quốc tế vì những cá thể voi tham gia mô hình có sức khỏe và phúc lợi tốt hơn.
“Đàn voi nhà ở đây đã được lập hồ sơ lý lịch từng cá thể nhằm thuận tiện cho việc theo dõi định kỳ về sức khỏe của voi trên các mặt như lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra các chỉ tiêu sinh lý và tẩy ký sinh trùng. Xa hơn nữa đó là cơ sở để kỳ vọng thực hiện thành công mô hình voi sinh sản tự nhiên mà Đắk Lắk kiên trì áp dụng triển khai”. ThS. Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk |
Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk: Mô hình “Du lịch thân thiện với voi” ở đây chỉ là bước đi có tính chất định hướng, cổ súy cộng đồng, chủ sở hữu voi tham gia lộ trình mà các bên (Sở NN-PTNT, Sở VH-TTDL và AAF) cam kết, hợp tác thực hiện từ nay đến năm 2025. Vấn đề quan trọng trước mắt vẫn là tìm giải pháp, điều kiện tốt nhất để bảo tồn 37 cá thể voi nhà trên địa bàn Đắk Lắk, trong đó việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao phúc lợi cho đàn voi là cấp bách nhất.
Ông Chung cho hay: Từ nhận thức ấy, trong thời gian qua, Trung tâm đã 6 lần cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn tại Thái Lan, Sri Lanka, Singapore, Nepal về chăm sóc thú y, sức khỏe và sinh sản cho voi; liên kết hợp tác mời gần 40 đoàn với hơn 1.220 lượt chuyên gia đến Đắk Lắk để hướng dẫn phương pháp chăm sóc, xử lý các vết thương, điều trị bệnh cho voi nhà cũng như hoạt động cứu hộ voi hoang dã. Đồng thời thiết kế lập hồ sơ, nhật ký chăm sóc voi và cung cấp các tài liệu chuyên sâu về giải phẫu và điều trị bệnh cho voi. Từ kiến thức chuyên sâu này, Trung tâm đã tổ chức hàng chục đợt tập huấn cho các tổ chức, hộ gia đình sở hữu voi về kỹ thuật chăm sóc sức khỏe, nhu cầu dinh dưỡng, phòng và điều trị một số bệnh thường gặp trên voi nhà.
Voi Gold được cứu hộ và chăm sóc tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. Ảnh: V.Tiếp |
Điều đáng ghi nhận hơn là hiện nay công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk đang được các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ rất hiệu quả. Cụ thể Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation); Tổ chức Chăm sóc Voi quốc tế (Elephant Care International); Tổ chức Phúc lợi động vật hoang dã (Wild Welfare), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (World Wild Fund for Nature); Vườn thú North Carolina tại Mỹ; Vườn thú Rotterdam tại Hà Lan; Trung tâm Bảo tồn voi Thái Lan… đã cử hàng trăm lượt chuyên gia đến Đắk Lắk thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ cứu hộ, tư vấn điều trị voi nhà cũng như voi hoang dã bị thương như voi Jun, voi Gold hiện đang được chăm sóc và sức khỏe tiến triển tốt tại khu chăn thả của Trung tâm là kết quả đáng khích lệ cho mối quan tâm, hỗ trợ nói trên.
Ngoài ra, AAF còn tài trợ cho 2 cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk tham gia thuyết trình về nâng cao phúc lợi cho voi tại hai hội thảo lớn được tổ chức ở Vườn thú Hà Nội và Công viên Văn hóa Đầm Sen - TP. Hồ Chí Minh. Thông qua các hoạt động này nhằm cung cấp tư liệu cho chuyên gia, cũng như các đoàn đến Đắk Lắk trực tiếp cứu hộ, khám chữa bệnh cho đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá: Những nỗ lực trên đã giúp đàn voi nhà, voi hoang dã được cứu hộ trong thời gian qua nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ cũng như phúc lợi từ các chương trình/đề án mà chính quyền tỉnh Đắk Lắk và các tổ chức phi chính phủ đã và đang thực hiện.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc