Ngành du lịch “khát” nguồn nhân lực trình độ cao
Đến nay, du lịch Đắk Lắk đã mở cửa hoàn toàn và đang trên đà phục hồi, phát triển. Cộng đồng làm du lịch trên địa bàn tỉnh đang rất cần nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ trong ngành kinh tế quan trọng này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn nhân lực này vẫn là “của hiếm” đối với các doanh nghiệp mỗi khi đưa ra kế hoạch, chương trình tuyển dụng người lao động vào làm việc.
Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Đam San (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Tất cả hoạt động du lịch của đơn vị này đã được kích hoạt trở lại và số lượt khách đăng ký tour ở đây ngày càng nhiều nên rất cần nguồn nhân lực phục vụ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm sản phẩm du lịch với cà phê, văn hóa - sinh thái, cộng đồng của du khách.
Đây là những sản phẩm du lịch rất được khách quốc tế yêu thích, vì thế ngoài vốn ngoại ngữ thông thạo ra, hướng dẫn viên cũng như nhân viên phục vụ liên hoàn trong chuỗi sản phẩm tạo ra phải có kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm thực tế nhất định.
Bởi thế, việc tuyển người vào làm việc luôn được Đam San chú trọng, ít nhất cũng phải qua đào tạo nghề từ trung cấp trở lên nhằm không những nâng cao chất lượng phục vụ, mà còn đồng thời khẳng định hình ảnh, vị thế của mình trong lòng du khách.
Biết vậy, nhưng theo ông Cơ, việc tuyển dụng người lao động có tiêu chuẩn như trên hiện rất khó khăn do nguồn “cung” không đáp ứng nguồn “cầu”, và doanh nghiệp chỉ còn cách tự thân kết nối với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để nâng cao kiến thức, trình độ và kỹ năng thực hành cho người lao động hiện có.
Giới thiệu với du khách về văn hóa nhà dài ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia |
Ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du lịch văn hóa - sinh thái Thanh Hà (huyện Buôn Đôn) cũng nhìn nhận điều đó và cho rằng: Đã là doanh nghiệp làm du lịch thì nhất thiết phải chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của mình. Song, không ở đâu như Đắk Lắk, cái khó nhất là tìm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển loại hình du lịch này trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Tuyển người không được, nên phải thuê chuyên gia, nghệ nhân mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng lao động tại chỗ.
“Khi du khách vào một nhà hàng, khách sạn, hay khu/điểm du lịch nào đó, có đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ hài lòng hơn so với những nơi phổ thông, đại khái. Có thể nói, lựa chọn của du khách quyết định sự thành bại của doanh nghiệp kinh doanh du lịch cùng hệ và trên cùng một địa bàn nhất định”. ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, kiêm Chi hội trưởng Chi hội hướng dẫn viên du lịch Đắk Lắk |
Ông Trụ cho hay, du khách đã và đang quay lại Buôn Đôn ngày một nhiều hơn, và sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa người dân tộc thiểu số tại chỗ được nhiều người lựa chọn, nhưng do không đủ nhân lực đáp ứng nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động xúc tiến, kinh doanh của đơn vị.
Trong số gần 30 lao động phục vụ hoạt động du lịch tại Thanh Hà, chỉ có một người là chị Nguyễn Lê Thanh Thảo (con gái ông Trụ) được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu của du khách trong những tour tìm hiểu và trải nghiệm vốn văn hóa bản xứ. Còn lại phải đắp đổi bằng cách liên kết với một số doanh nghiệp làm du lịch cùng hệ trên địa bàn để chia sẻ, vì thế nếu cùng một thời điểm (không gian) tổ chức cho du khách đã mua tour/tuyến tại các đơn vị làm du lịch kể trên thì không thể triển khai được, hoặc gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực.
Nhìn nhận về điều này, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch văn hóa, cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột), cũng như ông Nguyễn Mừng, phụ trách Khu du lịch văn hóa - sinh thái Troh Bư (Buôn Đôn) cho biết thêm: Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao đã khiến những đơn vị làm du lịch ở đây gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô, sản phẩm du lịch được xem là thế mạnh và đặc thù của Đắk Lắk như du lịch với cà phê, văn hóa - sinh thái kết hợp với hoạt động trải nghiệm homestay tại các buôn làng lân cận. Điều đáng nói hơn là do “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, buộc không ít doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn “nhắm mắt” tuyển người vào làm việc chưa qua một trường lớp đào tạo nghề khả dĩ, dẫn đến chất lượng phục vụ (tại các khu/điểm du lịch, cũng như dịch vụ lưu trú, lữ hành) rất thấp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, vị thế du lịch Đắk Lắk trong tiến trình phục hồi và phát triển.
Nhân viên Bảo tàng Thế giới Cà phê giới thiệu và hướng dẫn du khách cách thưởng thức cà phê truyền thống. Ảnh: Mai Sao |
Nói thêm về điều này, ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, kiêm Chi hội trưởng Chi hội hướng dẫn viên du lịch Đắk Lắk cho rằng: Với cách làm đó, về lâu dài sẽ kéo theo những hệ lụy khó lường. Vì thế yếu tố con người, hay nói rộng ra là nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề “sống còn” đối với bất kỳ doanh nghiệp làm du lịch nào trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc