Multimedia Đọc Báo in

Quan tâm đẩy mạnh truyền thông đô thị

08:26, 29/05/2022

Câu hỏi được một số nhà tư vấn đặt ra, với các đô thị đang vận động phát triển như Buôn Ma Thuột, là thực tế việc thực hiện mục tiêu trở thành một đô thị loại 1 đang triển khai ra sao, về mặt truyền thông đã tác động thế nào đến nhận thức người dân địa phương, để tạo nên sức mạnh cùng nỗ lực phấn đấu?

Chưa rõ về thông tin đô thị?

Câu chuyện được một số nhà tư vấn quy hoạch đặt ra cách đây vài tháng, khi tình cờ hội tụ tại một hội thảo phát triển thành phố Huế.

Một cán bộ quy hoạch địa phương đưa vấn đề tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, và nhận được câu hỏi sát sườn: Nếu Huế trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, những chỉ số phát triển, điều kiện cuộc sống người dân sẽ thay đổi như thế nào; và đến nay, đã có bao nhiêu người dân Huế tiếp cận, nắm bắt những con số này?

Cán bộ quy hoạch tỉnh lúng túng thừa nhận, thật ra những thông tin về quy hoạch, dự báo phát triển và nhất là những tiêu chí, định dạng về một đô thị Trung ương so với địa phương vẫn chưa được phổ quát.

Đô thị Buôn Ma Thuột trên đường phát triển. Ảnh: Hữu Hùng

Rất bất ngờ là một cán bộ quản lý đô thị Đà Nẵng bày tỏ, vấn đề này cũng đang là thực trạng của đô thị Đà Nẵng. Dù đã 25 năm là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, nhưng cho đến nay, đa phần người dân Đà Nẵng vẫn rất ít quan tâm, thậm chí xa lạ với những tiêu chí, thang điểm định vị đô thị này. Giữa một Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ với một đô thị Đà Nẵng hiện tại, có gì khác biệt về chỉ tiêu phát triển, từ diện tích nhà ở đô thị, mạng lưới giao thông, đến chỉ số tăng trưởng kinh tế, dân số, giáo dục, y tế… Với các nhà quản lý chuyên môn, có thể những con số này không xa lạ, nhưng với đông đảo người dân, bao nhiêu người biết được? Mà đã vậy, phải chăng công tác truyền thông về giá trị đô thị là có vấn đề, đáng phải xem xét lại?

Chia sẻ vấn đề này, chính một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho rằng, công tác truyền thông thông tin về các giá trị phát triển thực tế đến nay của đô thị Đà Nẵng vẫn chưa được coi trọng. Hoạt động báo chí, kể cả báo chí chuyên ngành quản lý đô thị, phát triển quy hoạch, cũng ít đề cập vấn đề này. Soi rọi lại, quá khứ vận động, phấn đấu của Đà Nẵng để đạt các tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương cũng hầu như nằm trong phạm vi thông tin cấp sở, ngành chứ chưa lan tỏa ra cộng đồng xã hội. Điều này làm hạn chế phần nào những tác động tích cực mà giá trị đô thị loại 1 mang lại với người dân, và qua đó, tác động tiêu cực, hạn chế nhận thức, sự nỗ lực phấn đấu, niềm tự hào của cộng đồng xã hội trước những mốc phát triển cần đặt ra.

Điều phải quan tâm, là dù đã có những “tấm gương” Hà Nội, Đà Nẵng… như thế, những đô thị đi sau đang nỗ lực vươn mình như Huế, và cả TP. Buôn Ma Thuột, liệu có dẫm vào vết chân cũ?

Cần người dân nắm rõ!

Theo Nghị quyết 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 (ngày 25/5/2016), đô thị Việt Nam được xác định 6 loại cụ thể, gồm đô thị đặc biệt và 5 loại thứ tự. Thang điểm phân loại đô thị có 100 điểm, với 3 nhóm tiêu chí chính, là vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị; quy mô, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển kết cấu hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị (gồm hạ tầng xã hội, kỹ thuật, vệ sinh môi trường và kiến trúc, cảnh quan).

Người dân cần được thông tin rõ ràng về những tiêu chí phấn đấu xây dựng đô thị. Ảnh: Hoàng Gia

Với các nhà tư vấn chuyên môn về quy hoạch đô thị, các nhóm tiêu chí này còn được đánh giá dựa trên các chỉ số thực tiễn xã hội, như chỉ số hài lòng của người dân với các chính sách, chế độ quản lý; cơ hội sinh kế, đầu tư kinh tế của thị dân… Tất cả cần được người dân nắm rõ, theo dõi, để kịp thời phát hiện những bất cập, sai lệch trong thực tế phát triển các đô thị, qua đó kiến nghị chính quyền giải quyết. Đơn cử người dân ở một thị trấn, thị xã, thành phố cần biết mình được quyền thụ hưởng những điều kiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội như thế nào, từ điện chiếu sáng, cấp đường phố, cho đến cơ hội thu nhập, được khám chữa bệnh hay giáo dục… Qua đó, nhận thức của người dân sẽ được tăng cường, để tự giác chấp hành các yêu cầu quản lý, trật tự, tuân thủ luật pháp…, góp phần tạo ổn định bền vững và tăng trưởng cho đô thị.

Với một đô thị đang mong muốn vươn lên như Buôn Ma Thuột, yêu cầu thông tin này lại càng cần thiết. Mỗi người dân TP. Buôn Ma Thuột rất cần nhận được những thông tin, dữ liệu chính xác về các tiêu chí phấn đấu để Buôn Ma Thuột trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đơn cử, dân số của đô thị loại 1 phải là 1 triệu người, hiện tại Buôn Ma Thuột cần tăng trưởng thêm bao nhiêu hộ dân nữa mới đạt được? Mà để có đủ cơ sở thu hút dân số tăng lên, địa phương cần đầu tư mới bao nhiêu diện tích nhà ở đô thị, hạ tầng giao thông, kỹ thuật, văn hóa - xã hội đi kèm; cần tạo thêm bao nhiêu việc làm, cơ hội sinh kế cho thị dân tương lai, cần thay đổi thế nào về công tác quản lý hành chính, trật tự đô thị, môi trường…

Tất cả lại cần được hệ thống truyền thông, báo chí, chính quyền hợp tác ra sao để người dân nắm bắt đúng và tham gia vào. Từ đó, định hướng vận động để Buôn Ma Thuột đạt được thang điểm cần thiết, thực sự trở thành đô thị loại 1 mới có tính khả thi cao nhất, nhất là sẽ giúp người dân hợp tác thực thi các trách nhiệm công dân đi cùng, như về chính sách thuế, trách nhiệm dân sự ở môi trường đô thị, cùng các quyền hạn và năng lực phụ trợ khác, tích cực hỗ trợ và tương tác với chính quyền hơn.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.