Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách của Hội Phụ nữ các cấp

15:53, 21/06/2022

Sáng 21/6, Đoàn công tác của Hội LHPN Việt Nam do đồng chí Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội làm Trưởng đoàn đã có buổi  làm việc với Hội LHPN tỉnh về hoạt động uỷ thác tín dụng chính sách.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, tính đến 30/5/2022 tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội do các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh quản lý là  1.961 tỷ 631 triệu đồng, với 51.845 lượt hộ gia đình hội viên, phụ nữ vay; duy trì nâng cao chất lượng 1.316 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,04%; không có tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
 
Về triển khai hoạt động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 5 năm triển khai đã có 11/15 huyện, thị, thành Hội có văn bản ký kết phối hợp với Ngân hàng chi nhánh tại địa phương. Trong đó có 4 đơn vị có hội viên phụ nữ được vay vốn. Đến 30/5/2022 đã có 1 đơn vị tất toán, 3 đơn vị còn dư nợ trên 28,2 tỷ đồng với 1.187 hộ vay.
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa Hội cơ sở với Ngân hàng Nông nhiệp và phát triển nông thôn ở tỉnh và một số địa phương chưa thường xuyên và chặt chẽ. Việc kết hợp các bên kiểm tra nguồn vốn ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên. Cấp tỉnh và nhiều đơn vị chưa ký kết được với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Đắk Lắk và chi nhánh địa phương.
Cán bộ Trung ương Hội LHPN Việt Nam nêu lên một số vấn đề còn tồn tại trong hoạt động ủy thác tín dụng chính sách tại Đắk Lắk
Cán bộ Trung ương Hội LHPN Việt Nam nêu lên một số vấn đề còn tồn tại trong hoạt động ủy thác tín dụng chính sách của Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk.

Tại chương trình, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến giải quyết nợ xấu, dư nợ giảm, bất cập trong công tác triển khai phối hợp, đẩy mạnh ký uỷ thác… Hội LHPN tỉnh cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam về cơ chế xóa nợ cho các hộ đã bỏ đi khỏi địa phương từ 24 tháng trở lên; nghiên cứu đề xuất xóa nợ lãi cho các hộ còn dư nợ gốc từ 1 triệu đồng trở xuống mà không có khả năng trả nợ; bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho tỉnh. Với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Hội đề xuất bố trí nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025.

Riêng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội có đề nghị đơn vị định kỳ cung cấp số liệu, trao đổi thông tin về tình hình vay vốn cho các Hội cùng cấp để nắm bắt, phối hợp thực hiện hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ vay vốn; tiếp tục phối hợp với Hội LHPN tỉnh để mở rộng địa bàn hoạt động tại các huyện còn lại...

Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu kết luận buổi làm việc
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lan Phương nhấn mạnh, thông qua việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ phụ nữ của các cấp Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk sẽ góp phần đắc lực vào công tác giảm nghèo cũng như giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới của địa phương.

Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách cho phụ nữ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin về hoạt động tín dụng cũng như các chương trình tín dụng chính sách, nhu cầu vay vốn của khách hàng; làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn đối với các tổ tiết kiệm vay vốn; tăng cường công tác giám sát đối tượng vay trước và sau khi giải ngân đồng thời đánh giá cụ thể hiệu quả nguồn vốn vay; ưu tiên nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho phụ nữ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị cần lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội.

Vân Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.