Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội sầu riêng 2022: Cú hích quảng bá nông sản

08:30, 29/06/2022

Ngày 16/6, UBND huyện Krông Pắc đã phê duyệt Đề án tổ chức Lễ hội sầu riêng năm 2022. Đây được kỳ vọng là lễ hội không chỉ quảng bá cho nhãn hiệu hàng hóa của địa phương mà còn kích cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Sầu riêng chuẩn bị vào… hội!

Theo đề án, lễ hội dự kiến diễn ra từ ngày 1/9 – 4/9/2022 với nhiều chuỗi hoạt động: Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông  nghiệp bền vững huyện Krông Pắc tỉnh Đắk Lắk; Lễ hội đường phố; Liên hoan hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc huyện Krông  Pắc; Tham quan khu di tích lịch sử đồn điền CaDa; Bình chọn “Vườn sầu riêng đẹp – thân thiện môi trường” và thưởng thức sầu riêng…

Người dân trên địa bàn xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) được hướng dẫn kỹ thuật canh tác sầu riêng.

 

 

“Lễ hội tổ chức sẽ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia giao lưu văn hóa, thương mại, quảng bá rộng rãi về đặc sản sầu riêng và các sản phẩm nông nghiệp của huyện”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết: Hiện công tác chuẩn bị cho Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ I năm 2022 đang được triển khai thực hiện. Chính quyền địa phương cũng đã đặt ra nhiều mục tiêu trong lần tổ chức lễ hội lần này. Đó là quảng bá về hình ảnh, quê hương và con người huyện Krông Pắc đến với du khách trong và ngoài tỉnh; qua đó giới thiệu các sản phẩm đặc thù riêng của huyện góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch tại địa phương. Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản sầu riêng Krông Pắc, các loại trái cây chất lượng cao, những sản phẩm đặc sản tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắc nói riêng. Lễ hội là nơi kết nối cung, cầu, trao đổi thông tin giữa nhà nông, thương nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý; tạo cơ hội giao thương giữa người trồng, người sản xuất, chế biến sản phẩm từ trái cây và người tiêu dùng. Đồng thời, tôn vinh những giá trị kinh tế của các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao, những sản phẩm đặc sản tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Qua lễ hội, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện Krông Pắc về kinh tế gắn với phát triển văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào huyện Krông Pắc trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xu hướng hội nhập và phát triển của cả nước.

Tập huấn canh tác sầu riêng bền vững ở xã Ea Kênh.

Cơ hội phát huy thế mạnh của cây ăn trái đặc sản

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc, diện tích cây ăn quả (kể cả trồng thuần và trồng xen) là 5.841 ha. Trong đó chủ yếu là diện tích cây sầu riêng 3.798 ha, diện tích cây bơ 1.265 ha, các loại cây ăn quả khác 778 ha. Sản lượng trái cây các loại khoảng 63.520 tấn. Trong đó sản lượng  sầu riêng đạt khoảng 45.000 tấn, sản lượng bơ 8.868 tấn, sản lượng các loại trái cây khác 9.652 tấn.

Có thể thấy, khi được đưa vào trồng xen canh thử nghiệm trong vườn cà phê tại Công ty Cà phê Phước An từ năm 2004, cây sầu riêng đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở nơi đây và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ thu hoạch năm 2021, mặc dù gặp khó khăn trong hoàn cảnh dịch COVID-19 phức tạp nhưng sản lượng của toàn huyện vẫn đạt khoảng 45.000 tấn. Trong tổng số diện tích trên 3.700 ha sầu riêng đã có gần 600 ha sầu riêng của gần 500 hộ được kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 730 ha sầu riêng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp mã vùng trồng.

Chế biến sầu riêng đông lạnh ở huyện Krông Pắc. Ảnh: Thanh Hường

Việc tổ chức Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương, trong đó sầu riêng là một trong những nông sản đặc thù mà chính quyền đang nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu. Việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trái cây, đặc biệt là thương hiệu Sầu riêng Krông Pắc và các sản phẩm nông nghiệp cũng chính là việc làm để khai thác hiệu quả nhãn hiệu tập thể “KRONG PAC DURIAN SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp ngày 8/3/2022.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.