Multimedia Đọc Báo in

Nhiều dư địa thu hút đầu tư vào nông nghiệp

07:59, 03/06/2022

Vai trò của doanh nghiệp được xác định là “hạt nhân” thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản…, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Vì vậy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này luôn được tỉnh Đắk Lắk đặc biệt chú trọng.

Đa dạng phương thức đầu tư

Hơn 2 năm nay, Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống (trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh) đã chọn xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) để xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Trang trại hiện có quy mô gần 300 ha với 3 nhóm sản phẩm gồm: rau củ quả ngắn ngày; cây ăn trái và chăn nuôi heo, gà, bò.

Theo ông Phạm Hữu Thời, Tổng Giám đốc Công ty, hiện đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng giai đoạn 1 của trang trại (khoảng 130 tỷ đồng), trong đó có hệ thống kênh dẫn nước dài 4 km, một trạm bơm công suất 750 m3/giờ, 5 ha nhà màng, 15 ha chuồng trại chăn nuôi và diện tích còn lại đã trồng phủ kín cây ăn trái.

Trang trại của Công ty đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ; hằng năm giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương. Bình quân, mỗi ngày trang trại cung cấp ra thị trường trên 1 tấn sản phẩm các loại đạt tiêu chuẩn hữu cơ, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (thứ hai từ trái sang) thăm trang trại của Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống. Ảnh: V. Tiếp

Từ năm 2020 đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững và Dịch vụ Tiến Thành (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) cũng liên kết sản xuất vùng nguyên liệu 40 ha cà phê quy trình hữu cơ và chế biến theo phương pháp Honey với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (gọi tắt là Công ty Vương Thành Công, tại TP. Buôn Ma Thuột).

Ông Trần Xuân Phái, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Trước đây, các hộ xã viên sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cà phê. Vì vậy, cây cà phê rất nhanh “xuống sức”, năng suất năm được năm mất, giá bán trên thị trường bị tư thương ép đủ đường nên lợi nhuận thấp. Từ khi tham gia liên kết, các hộ xã viên được Công ty Vương Thành Công tập huấn, chỉ dẫn quy trình sản xuất hoàn toàn bằng phân hữu cơ. Bà con cũng tự ủ đạm cá, phân vi sinh bón cho cây trồng nên chi phí sản xuất giảm trên 50% so với trước mà cây trồng lại luôn xanh tốt, năng suất ổn định. Quy trình sản xuất an toàn, ít độc hại cho môi trường và người trực tiếp sản xuất. Đầu ra của sản phẩm được Công ty Vương Thành Công thu mua và hỗ trợ thêm 13.500 đồng/kg so với giá thị trường. Hiện Công ty đang liên kết sản xuất với khoảng trên 100 hộ dân với vùng nguyên liệu trên 65 ha cà phê.

 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, trong 10 năm trở lại đây, Đắk Lắk đã thu hút được 75 dự án đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng trên 120 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh cũng xây dựng hàng loạt vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung thông qua mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với gần 400 hợp tác xã và 300 tổ hợp tác nông nghiệp.

Hiện nay, ngoài các nhà đầu tư kể trên, Đắk Lắk đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản quy mô lớn như: Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Nông sản Sapo (đầu tư nhà máy chế biến trái cây, rau củ quả); Tập đoàn Hùng Nhơn (làm dự án chăn nuôi heo); Tập đoàn Xuân Thiện (với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cư M'gar); Công ty TNHH Trái cây Darlac Farms (đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu); Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam (với dự án nuôi cá tầm tại huyện Lắk)...

Rộng mở môi trường đầu tư

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị thế giao thông thuận lợi để giao thương hàng hóa với các tỉnh, vùng miền trong cả nước. Đặc biệt, thế mạnh của tỉnh là có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước (khoảng 650.000 ha), nguồn tài nguyên đất đa dạng, trong đó có trên 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ, thích hợp trồng các loại cây công nghiệp lâu năm. Với lợi thế đó, tỉnh đã thiết lập được diện tích về cây cà phê, tiêu, cao su, sầu riêng, bơ… lớn nhất cả nước, với năng suất, sản lượng cũng thuộc tốp đầu. Quy mô ngành nông nghiệp tỉnh rất lớn, nhưng sản phẩm tinh chế, chế biến sâu mới chiếm tỷ lệ khoảng 10% ở tất cả các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Đây là tiềm năng, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Chế biến trái cây tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất nông nghiệp Sapo Đắk Lắk. Ảnh: L.Thành

Về tổng quan của ngành nông nghiệp tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đánh giá, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2021 - 2025 đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế của Đắk Lắk. Theo đó, các nghị quyết chuyên đề của tỉnh cũng đặt ra vấn đề là ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã và đang từng bước hình thành nên những vùng sản xuất tập trung; tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung nông dân hình thành nên các hợp tác xã; hỗ trợ các liên minh, liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, những năm qua, Đắk Lắk đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên thu hút các doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị đồng bộ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương, gắn với vùng nguyên liệu. Mặt khác, tỉnh luôn cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ doanh nghiệp; lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả những ưu đãi, chính sách của Trung ương, tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nông nghiệp vốn là lĩnh vực gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và những biến động không lường của thị trường. Song, thực tế cho thấy một khi đầu tư đúng hướng, đầu tư theo chiều sâu, đáp ứng nhu cầu thị trường, vận dụng tốt các thành tựu công nghệ vào sản xuất thì yếu tố rủi ro cũng được kiểm soát tốt. Vùng đất Đắk Lắk với nhiều thế mạnh vượt trội cả trong trồng trọt, chăn nuôi đã và đang từng bước được khai thác hiệu quả.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.