Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ những tuyến đường liên vùng sản xuất cà phê

08:17, 16/06/2022

Tuyến đường giao thông liên vùng sản xuất cà phê dài gần 8 km ở xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) được đưa vào sử dụng đã tạo niềm vui lớn cho rất nhiều người dân trong vùng này, vì từ đây họ thoát được cảnh đi làm rẫy và vận chuyển nông sản trong điều kiện giao thông lầy lội, bụi bặm.

Xác định giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các địa phương trong huyện Krông Pắc tranh thủ nhiều nguồn hỗ trợ, trong đó có Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) để xây dựng đường giao thông nông thôn dành cho các vùng sản xuất cà phê, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn. Đặc biệt, với công trình nâng cấp hệ thống đường giao thông phục vụ phát triển cà phê bền vững liên vùng xã Ea Yông có chiều dài gần 8 km đường bê tông, với tổng mức đầu tư 22 tỷ đồng đã mang lại một niềm vui lớn cho người dân trong vùng được thụ hưởng.

Tuyến đường giao thông liên vùng sản xuất cà phê được nâng cấp khang trang ở buôn Ea Wi, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc).

Ông Ama Zon, Phó Giám đốc  Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Ea Wi (đơn vị được hưởng lợi từ Dự án VnSAT) cho biết, HTX thành lập từ năm 1979, đến nay có 318 thành viên. Sau khi tham gia dự án VnSAT, HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Wi được Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chế biến cà phê, nhất là đầu tư nâng cấp gần 8 km đường giao thông nội đồng trong vùng sản xuất cà phê của HTX.

Trước đây, người dân đi làm rẫy trên các tuyến đường đất tự mở nên vào thời điểm mùa mưa thì đường rất khó đi, lầy lội, trơn trượt dẫn đến việc vận chuyển nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi được Dự án VnSAT hỗ trợ nâng cấp đường giao thông thì việc đi lại, canh tác của người dân được thuận lợi, giảm được chi phí vận chuyển.

 

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk yêu cầu, khi công trình đưa vào sử dụng, HTX và chính quyền địa phương cần có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng để duy trì hiệu quả lâu dài. Từ đó công trình mới phát huy được vai trò kết nối vùng sản xuất cà phê bền vững của nhân dân các dân tộc tại địa phương theo mục tiêu của Dự án VnSAT đề ra.

Được biết, ngoài việc hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, Dự án VnSAT còn hỗ trợ tổ chức nhiều lớp tập huấn về sản xuất và tái canh cà phê theo hướng bền vững cho HTX. Đồng thời xây dựng các điểm mô hình trình diễn về sản xuất cà phê để bà con học tập nên năng suất, sản lượng cà phê của các thành viên HTX đã dần được nâng cao. Từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào.

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT tại Đắk Lắk, dự án được triển khai tại Đắk Lắk từ năm 2015 trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố, với mục tiêu đề ra là có khoảng 60.000 nông dân được hưởng lợi với 50 tổ chức nông dân vùng dự án được tập huấn, đào tạo áp dụng quy trình canh tác cà phê bền vững trên diện tích 15.000 ha.

Đến nay dự án đã vượt kế hoạch đề ra, cụ thể: đã có 64 tổ chức nông dân được dự án đào tạo và hỗ trợ đầu tư; 72.000 nông dân hưởng lợi và diện tích cà phê được áp dụng quy trình canh tác bền vững là gần 20.000 ha.

Từ năm 2016 - 2022, Dự án VnSAT đã triển khai đầu tư nâng cấp tổng cộng 21 công trình cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu kết nối các vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh. Trong đó, có 9 công trình đầu tư công giai đoạn 2021 - 2022 và công trình nâng cấp hệ thống đường giao thông phục vụ phát triển cà phê bền vững liên vùng xã Ea Yông nằm trong số đó. Dự án có ý nghĩa thiết thực trong việc kết nối giao thông vùng sản xuất để phát triển cà phê bền vững cho các thành viên HTX nói riêng và nhân dân địa phương nói chung.

Minh Châu


Ý kiến bạn đọc