Multimedia Đọc Báo in

Thương hiệu - vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp

09:13, 17/06/2022

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường cộng với xu thế toàn cầu hóa, doanh nghiệp (DN) muốn  tồn tại, “sống khỏe” thì phải xây dựng thuơng hiệu. Nói không quá thì thương hiệu đã trở thành vấn đề "sống còn" của DN.

Thương hiệu là khái niệm trong suy nghĩ của người tiêu dùng về sản phẩm với dấu hiệu của nhà sản xuất gắn lên bao bì, hàng hóa nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Thương hiệu thường gắn liền với quyền sở hữu của nhà sản xuất và thường được ủy quyền cho người đại diện thương mại chính thức. Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WPIO), thương hiệu là một dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay tổ chức. Thương hiệu được coi là giá trị cốt lõi của DN.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, qua nhiều nỗ lực, một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, tiêu, ca cao... đã có thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, số sản phẩm có thương hiệu không nhiều, nhất là trên thương trường quốc tế. Đơn cử như mặt hàng cà phê của Đắk Lắk đã xuất đi hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, được nhiều thị trường ưa chuộng. Dù có giá trị kinh tế cao nhưng cũng giống như nhiều loại nông sản khác, giá trị của cà phê Đắk Lắk vẫn chưa được định giá xứng tầm bởi còn thiếu những thương hiệu đủ mạnh.

Đóng gói sản phẩm cà phê bột xuất khẩu tại công ty cổ phần đầu tư và phát triển an thái 
08:59
/-heart
1
/-heart
Đóng gói sản phẩm cà phê bột xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái. Ảnh: Đỗ Lan 

Thời gian qua, nhiều DN và địa phương đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản của mình. Để làm được điều này, chất lượng là yếu tố đặt lên hàng đầu. Khi chất lượng đã tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thì phải có “chiếc áo” đủ đẹp để song hành cùng chất lượng. Đi cùng với đó là nỗ lực trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo đảm sản xuất, thu hoạch, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư bao bì, nhãn mác kết hợp nghiên cứu thị trường, xây dựng tên gọi, logo, slogan, chiến lược truyền thông thương hiệu... của bản thân mỗi DN. Thế nhưng, hầu hết các DN của tỉnh từ khi bắt đầu đi vào hoạt động thì thường tập trung vào việc tạo ra sản phẩm mà chưa chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu nên gặp khó khăn trong việc xâm nhập thị trường.

Rõ ràng việc xây dựng thương hiệu là vấn đề hết sức cần thiết đối với DN và không hề dễ dàng. Song, như thế vẫn là chưa đủ. Ngày nay, DN còn phải tạo ra cơ sở pháp lý đủ chắc để bảo vệ mình trong những tình huống phát sinh tranh chấp xảy ra. Vì vậy, DN cần đầu tư phát triển thương hiệu, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm và phải đăng ký sở hữu trí tuệ. Thực tế cho thấy rằng, có nhiều trường hợp DN không chú ý đến việc giữ thương hiệu, không đăng ký bảo hộ cho thương hiệu của mình theo quy định dẫn đến việc thương hiệu bị đối thủ giành mất. Đáng nói hơn, trong bối cảnh hiện nay, hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày một tinh vi, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến. Xây dựng được thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu còn khó hơn. Điển hình như trường hợp Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn (TP. Hồ Chí Minh), bao nhiêu năm qua sản phẩm mũ bảo hiểm Nón Sơn của công ty bị làm giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ được bày bán tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước, kể cả phương thức truyền thống và bán hàng online, trong đó có cả ở Đắk Lắk. Theo ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành công ty, điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín, hình ảnh của thương hiệu Nón Sơn, đẩy DN vào thế khó.

Có thể thấy, câu chuyện xây dựng thương hiệu không phải “một sớm một chiều” có được mà là cả quá trình nỗ lực, chiến lược phát triển và quyết tâm thực hiện mạnh mẽ của DN. Hiển nhiên, để làm được điều này rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà quản lý và cả sự quyết liệt của cơ quan chức năng để bảo vệ DN làm ăn chân chính, bảo vệ giá trị cốt lõi mà DN đã dày công gây dựng.

Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.