Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức nông dân vượt khó

06:08, 09/06/2022

Thời gian qua, với sự tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều nông hộ tại huyện Krông Ana đã có thêm điều kiện, động lực để triển khai hiệu quả những mô hình phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Năm 2018, trong lúc đang khó khăn về vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, chị Trịnh Thị Miền (thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl) đã được Hội Nông dân xã hướng dẫn làm thủ tục vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Được vay 50 triệu đồng, chị đã mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp, gồm 2 ha lúa nước, 3 ha điều xen canh cà phê, nuôi bò, dê và vịt, cá. Nhờ siêng năng, cần cù và ham học hỏi, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nên mô hình kinh tế gia đình đã đem lại hiệu quả.

Chị Trịnh Thị Miền chia sẻ: “Cách đây 3 năm được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tôi đã đầu tư cải tạo lại diện tích đất ruộng, vườn và mua thêm vật nuôi để phát triển mô hình VACR. Đến nay đàn dê đã phát triển hơn 30 con, bò 11 con và có trên 1.500 con vịt, lúa nước mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 10 tấn/ha… nên thu nhập của gia đình sau khi trừ chi phí đạt 300 triệu đồng/năm, cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều”. 

Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Ana tham quan mô hình phát triển kinh tế của hội viên nông dân xã Ea Na.

Cũng được vay vốn ưu đãi 90 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, chị Trần Thị Phượng (buôn Êcăm, thị trấn Buôn Trấp) đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi bò vỗ béo với giống bò BBB, Brahman. Diện tích đất vườn cũng được chị chuyển đổi sang trồng các loại cỏ như cỏ voi, trồng ngô tạo nguồn thức ăn cho bò. Hiện nay gia đình chị đã có đàn bò 30 con. Mỗi con bò có thể cho lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng sau 15 - 18 tháng nuôi nhốt. Không chỉ làm giàu cho bản thân, vợ chồng chị Phượng còn hỗ trợ, giúp đỡ người dân địa phương về nguồn vốn, kỹ thuật chăn nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế.

“Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới”.

ông Y Thắng Bdăp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana

“Gia đình tôi dự định vay thêm vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại, phát triển mô hình theo quy mô lớn hơn. Trong đó, ngoài việc tập trung vào kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi, chúng tôi cũng sẽ đặc biệt chú trọng vệ sinh hệ thống chuồng trại được sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường”, chị Phượng cho biết.

Có thể thấy, Quỹ Hỗ trợ nông dân được hoạt động với phương châm “phi lợi nhuận”, trở thành kênh tín dụng trợ giúp nông dân vay vốn với lãi suất thấp, ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Để nguồn vốn này được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, Hội Nông dân huyện Krông Ana đã tiến hành khảo sát nhu cầu vay vốn, thực hiện nghiêm túc việc bình xét đối tượng cho vay. Đặc biệt, gắn cho vay với hướng dẫn, lựa chọn các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp điều kiện thực tế của gia đình hội viên, địa phương. Đồng thời, tăng cường cán bộ hướng dẫn hội viên vay vốn xây dựng dự án và thẩm định trước, sau khi giải ngân vốn. Bên cạnh đó, Hội còn vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Ana tham quan mô hình phát triển kinh tế của hội viên nông dân xã Ea Na.

Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Krông Ana có gần 4 tỷ đồng; đã hỗ trợ cho 72 dự án phát triển sản xuất của các nông hộ. Định kỳ hằng quý, các tổ vay vốn dự án duy trì sinh hoạt tổ, nội dung phong phú, với sự tham gia của ban quản lý dự án và hộ vay để trao đổi và học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, tìm đầu ra cho sản phẩm...

Qua rà soát, đánh giá nguồn vốn vay từ Quỹ, hầu hết các hộ nông dân trên địa bàn được vay vốn đều sản xuất hiệu quả và trả nợ đúng hạn. Hội đang tiến hành rà soát lại một số mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình để xét duyệt giải ngân hỗ trợ khoảng 90 hộ nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.