Multimedia Đọc Báo in

Để kỳ vọng thành hiện thực

08:57, 25/07/2022

Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, Chính phủ luôn coi đổi mới sáng tạo là mục tiêu cấp quốc gia nhằm khơi dậy nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Các diễn đàn đổi mới sáng tạo được thành lập kỳ vọng sẽ tạo được sức bật cho nền kinh tế.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Vượt khỏi khuôn khổ của một địa phương, tại Lễ ký kết thành lập Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên (Diễn đàn) giữa 5 tỉnh Tây Nguyên và Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ khối thịnh vượng chung (CSIRO) – Australia tổ chức tháng 6 vừa qua, nhiều vấn đề về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng đã được đề cập.

Những “nút thắt” đã được chỉ rõ, những cơ chế tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo lớn mạnh cũng đã được đề cập, những việc cần tập trung triển khai cả trước mắt và lâu dài nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo để hỗ trợ sự phát triển bền vững và cân bằng của ngành nông nghiệp cùng chế biến nông sản tại khu vực Tây Nguyên đã được nhắc đến.

Diễn đàn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với các viện nghiên cứu, trường đại học và các bên liên quan trong việc đưa ra những giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh thương hiệu vùng miền của các chuỗi giá trị xuất khẩu chủ lực, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của 5 tỉnh Tây Nguyên.

Công đoạn rang cà phê tại Công ty TNHH MTV Anh Coffee (TP. Buôn Ma Thuột). 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến đã được Chính phủ xác định là "chìa khóa" giúp tăng khả năng chống chịu và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Vì vậy, ông hy vọng các tỉnh Tây Nguyên có thể tận dụng tốt sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia và tạo nên một điển hình về diễn đàn cụm khu vực, nơi tạo ra các ý tưởng sáng tạo và giải pháp hữu ích cho những thách thức chung, đồng thời nâng cao năng suất và giá trị của các sản phẩm nông sản.

Với vai trò chủ nhà của buổi lễ ký kết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ, khu vực Tây Nguyên là trung tâm nông nghiệp lớn, được biết đến với nhiều loại cây trồng có giá trị thị trường và giá trị xuất khẩu cao như hồ tiêu, cà phê và trái cây. Song sản xuất nông sản thực phẩm vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của khu vực. Với khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, 5 tỉnh Tây Nguyên có thể làm được nhiều hơn nữa để cải thiện thu nhập và sinh kế cho người dân, đồng thời duy trì lợi ích kinh tế bền vững cho doanh nghiệp.

Nhiều kỳ vọng

Nói về những mục tiêu ưu tiên của Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, Đắk Lắk đánh giá cao các mục tiêu hoạt động của Diễn đàn và đây đều là những mục tiêu rất phù hợp với các nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh đang đặt ra nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030.

Đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên và Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ khối thịnh vượng chung (CSIRO) ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên, tỉnh này lại muốn tập trung vào ứng dụng đổi mới và công nghệ, đặc biệt là những công nghệ thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tối ưu chất lượng, năng suất và giá trị trong sản xuất và chế biến nông sản. Địa phương này cũng cam kết sẽ cố gắng cải thiện kết nối với thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của khu vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp nêu quan điểm, Diễn đàn mong muốn có sự tham gia của các bên quan tâm, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị dịch vụ phụ trợ, nông dân, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư và các tổ chức nông nghiệp thực phẩm khác. Trên cơ sở đó, Diễn đàn sẽ đóng vai trò tập hợp và môi giới để các thành viên cùng các bên liên quan trao đổi ý kiến, xác định những thách thức và cơ hội chung, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận những ý tưởng, kỹ năng và công nghệ mới từ cả trong và ngoài nước.

Bà Võ Thị Hảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cũng nhấn mạnh, tỉnh Lâm Đồng cam kết thúc đẩy sự kết nối và tương tác giữa các thành viên trong Diễn đàn cũng như lồng ghép các hoạt động của Diễn đàn vào các chương trình, kế hoạch công tác liên quan của tỉnh khi có thể để tận dụng tốt nhất các hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí từ phía Australia, cũng như các nguồn lực sẵn có khác.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông lại khẳng định, tiềm năng có nhưng thách thức cũng có vì sản xuất nông nghiệp trong khu vực đang phải chịu những tác động từ bên ngoài như biến động thị trường hay biến đổi khí hậu, chưa kể đến đại dịch COVID-19 vừa qua đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, khả năng phục hồi và tính bền vững chắc chắn là hướng đi mà tỉnh này đang kỳ vọng ở Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên.

Với những tiềm năng đang có ở khu vực Tây Nguyên, Diễn đàn được kỳ vọng là mô hình hợp tác có thể tập hợp được cả người nông dân và doanh nghiệp, đồng thời cũng là mô hình phù hợp nhất để khám phá cơ hội và thúc đẩy các mục tiêu chung. Vì thế, để khởi động các hoạt động của Diễn đàn, các mục tiêu ưu tiên chung và riêng cho 5 tỉnh Tây Nguyên hiện đã được thu thập và sẽ được sử dụng để làm cơ sở cho các hoạt động, trong đó bao gồm kết nối và đào tạo của Diễn đàn. Chương trình Aus4Innovation hiện đang xác định các chuyên gia và cơ hội đào tạo cho các bên liên quan của tỉnh để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm từ Australia.

Còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành các mục tiêu mà Diễn đàn đề ra để phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của 5 tỉnh Tây Nguyên như kỳ vọng. Để kỳ vọng trở thành hiện thực, không cách nào khác là phải hành động thực chất. Đó là trách nhiệm đặt ra cho mỗi bên liên quan ngay từ lúc này để không vuột mất cơ hội.

Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên là một sáng kiến của Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia. Aus4Innovation (2018 - 2022) là chương trình hỗ trợ có ngân sách 14,5 triệu đô la Australia do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ và được quản lý bởi cơ quan khoa học quốc gia của Australia - CSIRO với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho các cơ hội liên quan đến Công nghiệp 4.0, đồng thời giúp hình thành chương trình phát triển về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

 

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.