Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò công trình văn hóa cộng đồng trong các khu đô thị

16:44, 31/07/2022

Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Ân Phú đang tổ chức bàn giao cho chính quyền phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) quản lý, đưa vào hoạt động nhà văn hóa cộng đồng khu đô thị Ân Phú.

Đây là hạng mục thuộc dự án do doanh nghiệp đầu tư, thể hiện trách nhiệm đồng hành cùng địa phương về phát triển văn hóa cộng đồng xã hội ở khu dân cư, một vấn đề đang được đặt ra đối với các vùng đô thị mới.

Theo đại diện lãnh đạo phường Tân An, câu chuyện văn hóa cộng đồng ở các khu dân cư, khu đô thị hiện tại đang là khúc mắc của chính quyền cơ sở. Chỉ nói riêng ở phường này, thời gian qua, TP. Buôn Ma Thuột quy hoạch phát triển một số khu dân cư, đô thị mới đều gắn liền yêu cầu quản lý văn hóa, hành chính xã hội địa phương. Nhưng bản thân nội tại các khu dân cư đó, quy hoạch tổ chức sinh hoạt người dân thế nào, bộ máy dân phố hỗ trợ chính quyền ra sao, vẫn là những mô hình mở, rất khó điều tiết và quản lý.

Điểm nhấn của các khu dân cư, đô thị mới này nằm ở quần thể cư dân luôn có sự xáo trộn bất đồng, nói nôm na là một tổ hợp cộng đồng thiếu nhất quán từ đầu. Người dân địa phương, người dân nơi khác, theo điều kiện cho phép, đăng ký sở hữu các tài sản nhà đất trong các khu dân cư, đô thị tự nhiên thành thị dân của các cơ sở dân cư này. Việc bố trí, sắp xếp người dân sống liền kề trong các khu nhà phố, nhóm đất nền xây dựng nhà ở… đều có tính ngẫu nhiên lựa chọn. Cho nên, thực tế khó tránh khỏi là nhiều khu dân cư, dẫu đã hình thành lâu năm, vẫn thiếu tính kết nối giữa người dân với nhau, đa phần “nhà ai nấy ở, cửa ai đó đóng”, quan hệ hàng xóm láng giềng nhạt nhòa. Chỉ khi có những sự việc tang ma cưới hỏi, người dân mới tương tác với nhau, mà cũng chỉ trong phạm vi gần gũi nhất mà thôi. Hoạt động của mô hình tổ dân phố, tổ tự quản nhân dân ở các khu dân cư này, có thể nói mang tính hình thức hơn là thực chất.

Công trình văn hóa cộng đồng được xây dựng ở khu đô thị Ân Phú.

Với thực trạng như vậy, không chỉ ở TP. Buôn Ma Thuột hay đô thị cụ thể nào, câu chuyện kết nối cộng đồng, xây dựng văn hóa cộng đồng trong khu dân cư, đô thị hiện đại, thực sự là rất nan giải để bàn đến. Thậm chí càng là khu đô thị lớn, đông dân, ở tại thành phố lớn thì hoạt động kết nối cộng đồng chung lại càng khó khăn, văn hóa cộng đồng lại càng mờ nhạt và dễ bị đứt gãy.

Thấy rõ vấn đề này, các bộ ngành quản lý, và chính quyền địa phương, riêng tại TP. Buôn Ma Thuột luôn đặt ra đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư, hiện thực hóa các cơ sở, công trình văn hóa cộng đồng, làm nền tảng tổ chức đầu tiên cho hoạt động văn hóa cộng đồng tại các khu đô thị và dân cư mới. Điều này cắt nghĩa vì sao ở những dự án hình thành khu đô thị mới trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, yêu cầu đầu tư những hạng mục công trình văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… được đặt ra rất nghiêm túc. Cạnh hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thương mại dịch vụ, hạ tầng văn hóa, cộng đồng trở nên được quan tâm và đòi hỏi đầu tư bài bản, thực tế hơn.

Đáp ứng định hướng này từ quy hoạch của địa phương, khi nhận đầu tư dự án khu đô thị Ân Phú, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Ân Phú đã triển khai thiết kế ngay công trình nhà cộng đồng, và tổ chức thi công xây dựng đồng bộ với quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho khu đô thị. Từ tháng 3/2022, công trình này đã được xây dựng xong, với quy mô 3 tầng, diện tích mặt sàn trên 1.000 m2, tổng mức đầu tư 10,3 tỷ đồng. Công trình này được định vị các công năng bên trong, như hoạt động hội trường cộng đồng, các phòng phụ trợ văn hóa xã hội như rèn luyện kỹ năng mềm (nhạc họa, tập thể dục…), phòng truyền thống (bảo tàng)… đảm bảo đáp ứng các yêu cầu tổ chức tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng dân cư, như hội họp mít tinh, sinh hoạt của giới trẻ…

Bài toán đặt ra với chính quyền cơ sở chính là từ hạng mục hạ tầng cộng đồng đã được đầu tư, cần tổ chức, có phương án bố trí như thế nào nhằm khai thác tốt nhất hiệu quả cho người dân được hưởng thụ hợp lý. Nên có cách quản lý ra sao với hạng mục công trình có tính đặc thù này, vừa đúng các tiêu chuẩn xây dựng đời sống khu dân cư, đô thị mới tại địa phương, vừa khai thác tốt, đúng công năng, chất lượng công trình, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cư dân khu đô thị là câu hỏi rất thiết thực. Lãnh đạo chính quyền phường Tân An chia sẻ, về thực tế, địa phương đúng là chưa có kinh nghiệm để tiến hành vấn đề này. Đây cũng là vấn đề chung của rất nhiều cơ sở hành chính địa phương khác. Nhất là làm sao phối hợp được đồng bộ hoạt động đầu tư đã có của chủ đầu tư, với hoạt động quản lý hành chính của địa phương, để yêu cầu định chế những hạng mục văn hóa cộng đồng vào các khu dân cư, đô thị là hài hòa và tích cực nhất. Nếu không, giá trị đầu tư những công trình cộng đồng xã hội sẽ biến thành lãng phí, tổn thất không nhỏ cho toàn xã hội và riêng ở từng dự án đầu tư.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.