Những nữ 9X khởi nghiệp
Vượt qua thất bại, những bạn nữ trẻ của Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khởi nghiệp Krông Búk đã kiên trì học hỏi, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều nhân công tại địa phương.
Khởi nghiệp với yến sào
Từng theo học ngành Y nhưng vì nhiều lý do, chị Hồ Thị Thanh Thảo (SN 1994, trú tại thôn Nam Anh, xã Chư Kpô, huyện Krông Búk) đã trải qua nhiều công việc khác nhau. Dẫu vậy, chị vẫn luôn nuôi ý chí sẽ tìm một công việc ổn định cho bản thân, phát triển kinh tế gia đình ngay tại địa phương mình. Được mẹ định hướng, chị đã cất công đi tìm hiểu, học hỏi về nghề sơ chế, gia công yến sào. Cuối năm 2018, chị Thảo mở xưởng gia công yến thô tại thôn Nam Anh từ nguồn vốn ban đầu vỏn vẹn 80 triệu đồng, hoạt động nhờ vào việc nhận hàng gia công cho các đầu mối.
Chị Hồ Thị Thanh Thảo (người đứng) hướng dẫn nhân viên cách sơ chế yến đúng kỹ thuật. |
Những ngày đầu, xưởng đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhân công không ổn định, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh nghiệm còn non khiến hàng hóa bị nấm mốc, hao hụt. Xưởng hoạt động cầm chừng, hai năm đầu phải đóng cửa tới 4 lần. Không nản lòng, chị kiên nhẫn vừa tìm tòi, học hỏi thêm từ các tài liệu, sách báo, Internet, vừa trực tiếp tham quan những mô hình chế biến yến sào. Lúc ấy, dù thua lỗ nhưng nhờ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng trong việc hỗ trợ những thanh niên khởi nghiệp, nguồn vốn từ hội phụ nữ, chị quyết định vay thêm tiền đầu tư hệ thống phòng sấy để có thể đáp ứng những đơn hàng lớn, đồng thời có thể sản xuất yến thành phẩm bán ra thị trường. Cô gái với vóc người nhỏ bé cứ thế miệt mài ở xưởng, không nề hà mọi việc, từ gia công yến đến dọn dẹp, gửi hàng, quản lý nhân công.
Để chủ động nguồn hàng, chị Thảo đã kết nối với những người làm trong nghề thông qua mạng xã hội, từ đó tìm được các khách hàng tiềm năng. Chị cũng lấy tên cơ sở sản xuất của mình là “Yến sào Ban Mê” và phát triển quy mô của xưởng, từ 4 nhân công ban đầu, đến nay, xưởng của chị có 11 nhân công với mức lương trung bình từ 4 - 7 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng, xưởng "Yến sào Ban Mê" nhận gia công và xuất ra thị trường khoảng 15 kg yến với các mặt hàng như: yến tinh chế, yến định hình, yến rút lông. Bên cạnh đó, xưởng còn có sản phẩm yến chưng hũ với nhiều mùi vị, công thức khác nhau theo yêu cầu của khách hàng như: hạt chia, đông trùng hạ thảo, táo, saffron, gừng, hạt sen... Sau những nỗ lực, cố gắng, đến nay xưởng "Yến sào Ban Mê" của chị Thảo đã bước đầu ổn định, sau khi trừ chi phí còn mang lại lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Bén duyên với “nữ hoàng quả khô”
Khát khao, đam mê kinh doanh nên dù đỗ đại học chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh nhưng chị Nguyễn Thị Công Linh (SN 1996, trú thôn 6, xã Cư Né, huyện Krông Búk) đã quyết định dừng chặng đường đèn sách lại. Sẵn gia đình có mặt bằng rộng rãi, chị bước vào con đường kinh doanh với nhiều lĩnh vực như: mở văn phòng phẩm, quán cà phê... Trong một lần đi về huyện Krông Năng chơi, chị được nếm thử hạt mắc ca. Vị bùi, thơm của loại hạt này đã thôi thúc chị tìm hiểu, rồi quyết định rẽ hướng. Chị Linh chia sẻ: “Tính tôi vốn quyết đoán, lúc đó bản thân đang nuôi con nhỏ, nhưng khi đã muốn thử sức với con đường kinh doanh mới tôi sẵn sàng thực hiện ngay. Thấy mô hình chế biến mắc ca có triển vọng, từ vốn liếng tích góp được, cùng sự trợ giúp từ gia đình, năm 2016 tôi đã mày mò tìm hiểu rồi mua lò sấy để bắt đầu gắn bó với loại quả được ví là nữ hoàng quả khô”.
Chị Nguyễn Thị Công Linh kiểm tra sản phẩm của công nhân tại xưởng. |
Ban đầu, chị Linh đi tìm thu mua mắc ca tươi ở huyện Krông Năng về để tách vỏ, sấy cho ra thành phẩm, mỗi năm chỉ xuất ra thị trường khoảng 5 tạ mắc ca thành phẩm. Tuy vậy, vì thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ thuật nên có những lô hàng thu mua quả bị non, nấm, trong quá trình sấy bị cháy khiến bao công sức đổ bể. Chị nhẩm tính những năm đầu khởi nghiệp đã lỗ đến 200 triệu đồng. Qua nhiều lần thất bại, dần nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm, chị lại bắt đầu từng bước cẩn trọng, kỹ càng hơn, từ khâu thu mua, tuyển chọn hạt cũng như quá trình sấy quả. Chị cũng tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để kết nối, tìm kiếm nguyên liệu, khách hàng, đồng thời xây dựng hệ thống cộng tác viên bán hàng. Có nhiều đơn đặt hàng, chị Linh mở rộng sản xuất, mua thêm lò sấy với tổng công suất 2 tấn quả, mở rộng quy mô cơ sở chế biến hạt dinh dưỡng tại thôn 6 (xã Cư Né). Hiện cơ sở có 4 nhân công làm việc liên tục, vào thời điểm nhiều đơn đặt hàng, có thêm từ 7 - 8 lao động thời vụ.
Đến nay, với hệ thống khách lẻ và sỉ xây dựng được, chủ yếu ở khu vực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mỗi tháng chị Linh xuất ra thị trường khoảng 3 tấn mắc ca thành phẩm, với giá bán từ 150 - 200 nghìn đồng/kg tùy loại.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc