Sầu riêng và những bước đi trên con đường chính ngạch
Sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo con đường chính ngạch là cơ hội lớn để ngành hàng này phát triển. Tuy nhiên yếu tố bền vững là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra trong quá trình mua bán loại cây trái trên với đối tác. Nhiều người cho rằng, cơ hội ở đây đi kèm với thách thức đặt ra cho sầu riêng bước đi trên con đường chính ngạch.
Theo nội dung của Nghị định thư được ký kết với đối tác thì dưới sự giám sát của Bộ NN-PTNT Việt Nam, tất cả các vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn GAP và nhất là việc đảm bảo các điều kiện vệ sinh vườn trồng theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác.
Tất cả vùng trồng sầu riêng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho Hải quan Trung Quốc khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác.
Nông dân huyện Cư M'gar chăm sóc vườn sầu riêng. Ảnh: Thuận Nguyễn |
Đối với Đắk Lắk, những tiêu chí bắt buộc trên đang được ngành nông nghiệp xúc tiến hướng dẫn cho hầu hết nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, thu mua và xuất khẩu sầu riêng; đồng thời có phương án, kế hoạch tổ chức lại ngành hàng này để được cấp mã vùng trồng và xuất khẩu chính ngạch. Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, tất cả các khâu phải đảm bảo đúng quy định, quy chuẩn, quy trình - từ sản xuất, chăm sóc, thu hái đến bảo quản và tiêu thụ…
Để việc xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, Sở NN-PTNT đã làm tất cả những hoạt động để phía Trung Quốc kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng đủ tiêu chí cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch. Ngoài cấp mã số vùng trồng, tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các chủ vườn, chủ cơ sở đóng gói, sở chủ quản còn tăng cường kiểm tra mọi hoạt động liên quan nhằm đảm bảo không có việc gian lận trong hoạt động xuất khẩu. Có thể nói đây là những bước đi quan trọng để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo đó, về phía người trực tiếp trồng sầu riêng cũng phải không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trước những yêu cầu đặt ra, nhất là trong hoạt động sản xuất loại cây trái có giá trị này. Rất mừng là những năm qua, người trồng sầu riêng ở Đắk Lắk đã được tư vấn từ các kỹ sư nông nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực canh tác sầu riêng, từ đó có cái nhìn rõ ràng hơn về những thói quen cần thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng này. Người trồng sầu riêng dần thay thế các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học sang các giải pháp có nguồn gốc sinh học như sản phẩm đạm cá, phân gà, phân bò ủ cùng các loại nấm đối kháng; sử dụng thuốc đúng liều, đúng loại để phòng trị bệnh phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Nhờ vậy nhiều nông hộ đã giảm được 50% chi phí sản xuất, đồng thời giảm dần tần suất can thiệp bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật, giúp vườn cây phát triển tốt hơn, tỷ lệ ra hoa, đậu trái ổn định và khá đồng đều.
Được biết trong thời gian tới, Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) sẽ tổ chức hai hội nghị tại Đắk Lắk và Gia Lai nhằm triển khai tập huấn việc thực hiện Nghị định thư để có thương hiệu được bảo hộ, có mã vùng trồng, có giấy phép thông hành xuất khẩu… Đó là những điều kiện, cơ hội “vàng” cho sầu riêng Đắk Lắk bước đi vững vàng, bền vững trên con đường chính ngạch sang thị trường rộng lớn Trung Quốc.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc