Chanh dây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Cần một cuộc “cải tổ”
Cùng với trái sầu riêng, chanh dây Việt Nam cũng được phía Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch sang thị trường nước này. Đây được xem là cơ hội tốt cho chanh dây Đắk Lắk để có một đầu ra ổn định. Tuy nhiên, để khai thác cơ hội này, chanh dây Đắk Lắk cần có một cuộc “cải tổ” ở tất cả các khâu.
Phát triển còn manh mún
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt (Sở NN-PTNT), toàn tỉnh có khoảng gần 1.000 ha chanh dây, trong đó diện tích trồng mới gần 200 ha; năng suất đạt hơn 15,9 tấn/ha; sản lượng 14.073 tấn. Đắk Lắk là một trong hai địa phương trồng nhiều chanh dây nhất ở khu vực Tây Nguyên (đứng sau Gia Lai). Mặc dù tiềm năng phát triển rất lớn nhưng diện tích chanh dây đang manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu được người dân trồng tự phát, chưa được khuyến cáo và hướng dẫn về kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn.
Huyện Krông Năng là địa phương có diện tích trồng chanh dây khá lớn, với trên 500 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 6.000 tấn/năm. Đa phần diện tích trồng chanh dây ở quy mô nông hộ, trồng xen cùng các loại cây trồng khác hoặc tận dụng diện tích tái canh cây cà phê để trồng, do vậy chưa hình thành các vùng trồng có quy mô lớn. Việc tiêu thụ chanh dây chủ yếu do các vựa trái cây thu mua và đóng gói. Trên địa bàn cũng đã có hình thành một cơ sở chế biến và cấp đông sản phẩm chanh dây nhưng với quy mô chưa lớn.
Ông Nguyễn Văn Đảng (thôn 6, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho hay, cách đây 3 năm, ông bắt đầu mày mò trồng chanh dây thử nghiệm trên 2 sào đất của gia đình. Nhận thấy loại cây trồng này phù hợp đất ở đây, không tốn công chăm sóc cũng như chi phí thấp, lại cho năng suất cao, vì vậy năm nay ông quyết định mở rộng diện tích lên 4 sào. Sau hơn 7 tháng chăm sóc, hiện ông đã thu được lứa đầu tiên với gần 8 tấn, bán với giá dao động từ 10 – 15 nghìn đồng/kg. Dự kiến, vườn chanh dây của ông sẽ thu hoạch được đến tháng 11 - 12 âm lịch năm nay. Nếu duy trì ở năng suất và giá cả ổn định như hiện nay thì ông sẽ thu được lãi lớn. Hiện tại, ông đang bán chanh dây cho các đại lý thu mua, hoặc các chủ vựa tại địa phương, với giá cả ổn định.
Vườn chanh dây của bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng). |
Thấy chanh dây đang có giá, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) bắt đầu trồng với diện tích 5 sào. Bà Xuân cho hay, chanh dây dễ trồng và nhanh thu hồi vốn. Trung bình một lứa thu hoạch (liên tiếp trong vòng 1 tháng), gia đình bà thu 5 - 6 tấn. Việc xuất bán hiện tại rất dễ dàng vì vậy bà quyết định trồng thêm để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Tại huyện Cư Kuin, người dân cũng bắt đầu trồng cây chanh dây trong một hai năm gần đây nhưng diện tích manh mún, quy mô nhỏ. Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, toàn huyện có hơn 20 ha, chủ yếu do người dân chuyển đổi từ một số vườn tiêu bị bệnh chết sang trồng chanh dây, với năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha. Với mức giá hiện tại trên 10.000 đồng/kg thì thu nhập từ vườn chanh dây mang lại cho người dân rất cao nên diện tích trồng cũng đang tăng dần lên.
Ông Lê Văn Trọng Đức (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) cho biết, trước đây, 1 ha đất này được gia đình trồng tiêu nhưng do điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp nên tiêu chết dần. Sau đó, gia đình bắt đầu trồng thử nghiệm chanh dây, thấy mang lại hiệu quả kinh tế nên gia đình trồng hết trên diện tích 1 ha; mỗi năm thu hoạch 50 tấn với giá bán trung bình là 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Cần tổ chức lại sản xuất
Một trong những nguyên nhân khiến cây chanh dây trên địa bàn Đắk Lắk chưa phát triển mạnh dù dư địa còn rất lớn, đó là do giá chanh dây trên thị trường không ổn định, người dân nắm bắt thông tin giá cả chưa kịp thời, chủ yếu là bán qua khâu trung gian nên hay bị ép giá. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chanh dây với công nghệ tiên tiến, hiện đại, mà hầu hết là sơ chế thô nên giá trị mang lại thấp.
Ông Lê Văn Trọng Đức (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) chăm sóc vườn chanh dây. |
Ông Trần Sơn Tùng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng cho biết, trong thời gian qua UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, ngành nông nghiệp từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền về mã số vùng trồng, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản. Đồng thời, cung cấp nhiều tài liệu tập huấn trực quan nhất để các hợp tác xã (HTX), người dân áp dụng trong quá trình sản xuất.
Hiện Trung Quốc cho nhập khẩu chính ngạch đã mở ra cơ hội rất lớn, tạo đà cho cây chanh dây phát triển bền vững trên địa bàn, mang lại thu nhập cao cho người dân. Theo đó, trong thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu, nâng cao nhận thức cho HTX, hộ sản xuất để phát triển các vùng trồng cây chanh dây phục vụ xuất khẩu bền vững. Ngoài ra, Phòng cũng đang tiến hành rà soát cây trồng có diện tích lớn, trồng tập trung để xem xét hỗ trợ người dân trong việc cấp mã số vùng trồng.
Chanh dây hiện nằm trong tốp 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. Năm 2022, sản lượng chanh dây cả nước ước tính 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk. |
Cũng trong tâm thế chuẩn bị tốt vùng nguyên liệu chanh dây cho xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, huyện Cư Kuin đã ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó có cây chanh dây, với diện tích 200 ha. Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp huyện Cư Kuin hiện nay là quy hoạch vùng, phát triển vùng để hình thành nên các tổ chức liên kết trong nông dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho bà con nông dân nắm được quy trình canh tác theo tiêu chuẩn nước nhập khẩu yêu cầu và tìm kiếm các doanh nghiệp có đủ chức năng, năng lực bắt tay với tổ chức nông dân để đưa quả chanh dây xuất khẩu chính ngạch.
Theo Sở NN-PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh dây Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2022. Theo thỏa thuận về yêu cầu kiểm dịch thực vật, trước mắt Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh dây tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bao gồm: Hữu Nghị quan, Pò Chài, Ga đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.
Về điều kiện chung, chanh dây phải xuất phát từ vùng có mã số vùng trồng, có mã số đóng gói và bảo đảm không nhiễm dịch hại, đáp ứng an toàn thực phẩm. Trung Quốc kiểm tra chặt chẽ hai loại là tồn dư thuốc BVTV và các loại dịch hại trên quả chanh dây. Do đó, để quả chanh dây tươi xuất khẩu bền vững thì người dân, doanh nghiệp cần tuân thủ đúng các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đưa ra. Chính quyền các địa phương có phát triển chanh dây cần quan tâm tổ chức lại khâu sản xuất để đủ điều kiện xây dựng mã vùng trồng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình nhập khẩu quả chanh dây của Việt Nam để làm cơ sở cho các bước tiếp theo, tiến tới ký kết Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh dây Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, góp phần phát triển thương mại giữa hai nước. |
Minh Thuận - Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc