Multimedia Đọc Báo in

Để doanh nghiệp “thuận buồm” với thương mại điện tử

08:02, 13/09/2022

Song hành với kênh truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT) đã khẳng định là kênh chủ đạo, hỗ trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là khi cả thế giới đang phải gánh chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 cũng như những bất ổn về chính trị.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Theo hầu hết người tiêu dùng, trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra, việc mua sắm trực tuyến được họ sử dụng thường xuyên hơn các kênh mua sắm khác. Vì vậy, dịch COVID-19 dù ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung, nhưng riêng TMĐT vẫn mang lại tín hiệu rất lạc quan. Tại Việt Nam, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) - IDEA, tốc độ phát triển của TMĐT vẫn giữ vững ở mức khoảng 17%/năm trong hai năm vừa qua. Riêng trong năm 2021, doanh thu TMĐT bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, chiếm khoảng 7% tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến cũng đã tăng lên khoảng 90% (năm 2019 là 77%), với ước tính giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của mỗi người tiêu dùng là 270 USD.

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. 

Những con số trên cho thấy, TMĐT đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN), trước hết đó là sự mở rộng về đối tượng khách hàng. Theo nghiên cứu của Facebook, hơn 81% người tiêu dùng đã có sự thay đổi về thói quen mua sắm khi đại dịch bùng phát, chuyển sang ưu tiên mua sắm trực tuyến; 92% trong số này khẳng định sẽ duy trì thói quen đó. Mặt khác, ở những khu vực phi thành thị trước đây vốn ít được tiếp xúc với các hình thức thương mại hiện đại thì nay cũng dần hình thành thói quen mua sắm và kinh doanh trực tuyến. Báo cáo của các sàn TMĐT lớn của Việt Nam cho thấy, lượng người bán hàng trực tuyến tại các khu vực phi thành thị thời gian qua đã tăng khoảng 40%. Cơ hội cho DN còn thể hiện ở sự đa dạng các mặt hàng kinh doanh trực tuyến. Trước đây, sản phẩm bán trên mạng chủ yếu là mỹ phẩm, thời trang. Ðến nay, nhiều mặt hàng khác như thực phẩm tươi sống hay đồ ăn nhanh cũng rất được ưa chuộng.

Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Khôi cho rằng, TMĐT đã trở thành hiện trạng, xu hướng mới với nhiều lợi thế, đồng thời đang mở ra cơ hội lớn và là giải pháp hữu ích cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khi cả thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng do tác động của dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia kinh tế, TMĐT được khẳng định là xu hướng tất yếu trong thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phát triển kinh tế. Và một điều không thể phủ nhận, từ nền tảng được đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch đã tạo đà cho DN phát triển TMĐT. Đồng thời, lĩnh vực chuyển đổi số và kinh doanh trực tuyến chiếm tỷ lệ quan trọng và tăng lên đáng kể tại các DN của Việt Nam.

Để “thuận buồm xuôi gió”

Thời gian qua, các địa phương, DN đã chủ động và tích cực phối hợp với các sàn TMĐT để bán hàng nông sản, đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Tiếp cận với phương thức phân phối hiện đại, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên hiện nay, việc đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT cũng đang gặp phải khá nhiều thách thức. Ông Võ Văn Khanh, Chi hội trưởng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Khu vực miền Trung – Tây Nguyên nhận định, tại Việt Nam, DN thường gặp các khó khăn trong hoạt động TMĐT, như: công tác xúc tiến thương mại còn yếu do hạn chế về số lượng nhân sự; thiếu kỹ năng, ít quan hệ và chương trình xúc tiến thương mại còn ít; việc quảng bá hình ảnh DN, sản phẩm chưa tốt; sản phẩm chưa ổn định về mặt chất lượng và số lượng… Vì vậy, để kinh doanh thành công trên môi trường TMĐT, DN cần thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh, Trung ương tổ chức; đồng thời, phát huy giải pháp bán hàng đa kênh (truyền thống và trực tuyến). Bên cạnh đó, DN còn cần liên kết sản xuất nhằm ổn định về số lượng, giám sát chéo về chất lượng; liên kết giảm chi phí vận chuyển, giao hàng và nâng cao phương án bảo quản và tham gia các khóa đào tạo/tập huấn về công tác tổ chức sản xuất/quản lý.

Đại diện lãnh đạo Sở Công thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Theo đánh giá của IDEA, việc đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng TMĐT là việc DN có thể làm, nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả, DN cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh của DN, cách thức chăm sóc khách hàng và những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết và quản lý chất lượng sản phẩm. Chỉ khi DN đã nhận thức đầy đủ những nội dung này, việc kinh doanh TMĐT mới có thể thành công. Trước những khó khăn mà DN đang phải đối mặt, IDEA đã phối hợp với các sàn TMĐT tiếp tục triển khai những gian hàng chung nhằm hỗ trợ cho các DN và các hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Mục tiêu chính của hoạt động này là tập trung hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện và đào tạo để từng bước khuyến khích DN tự vận hành hiệu quả gian hàng riêng của mình.

Để các DN trên địa bàn tỉnh có thể “thuận buồm xuôi gió”, đồng thời tìm ra giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thông qua kênh TMĐT, trung tuần tháng 8/2022, Sở Công thương đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển giao dịch thương mại trực tuyến, góp phần phát triển kinh tế - thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT và năng lực triển khai TMĐT cho các DN tại địa phương, từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, thỏa thuận hợp tác còn hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng của người tiêu dùng khi tham gia TMĐT; hỗ trợ và bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia mua bán trực tuyến.

Một lối mở khác cho DN là hiện nay hầu hết các sàn TMĐT lớn của Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada… đều có những chính sách hỗ trợ người bán thiết thực, hỗ trợ DN tham gia kinh doanh trực tuyến hiệu quả. Quan trọng hơn là hiện hạ tầng pháp lý liên quan đến TMĐT như thuế, hải quan, bảo vệ người tiêu dùng… đã cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, là cơ sở nền tảng tạo điều kiện cho DN phát triển, nâng cao sức cạnh tranh.

Bộ Công thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các sàn TMĐT lớn, các DN cung ứng hạ tầng cho TMĐT triển khai “Chương trình hỗ trợ DN ứng dụng thương TMĐT quốc gia - GoOnline.gov.vn” diễn ra trong giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu hỗ trợ 200.000 DN ứng dụng TMĐT.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.