Để thu hút đầu tư vào lợi thế nông sản
Vị thế cửa ngõ, thủ phủ kinh tế đầu tư Tây Nguyên của Đắk Lắk giờ đang được định dạng rõ hơn, với ưu thế phát triển đầu tư nông nghiệp công nghệ, để khai thác hiệu quả nguồn hàng hóa nông sản, xây dựng những thương hiệu xuất khẩu giá trị cao. Theo đó, các trung tâm đô thị ở địa phương đang rất cần điều chỉnh, chỉnh trang quy hoạch, để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.
Bài toán hạ tầng cho đô thị nông sản cao nguyên, vì vậy đã đến lúc đặt ra. Làm sao để TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, các thị trấn Quảng Phú, Phước An, Ea Kar… được đầu tư, khai thác hạ tầng đô thị hữu hiệu, vừa thúc đẩy lợi ích dân sinh, vừa quy hoạch đúng hướng phát huy lợi thế thương mại nông sản?
Đầu tư hướng về nông sản
Ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, lợi thế đầu tư nông sản chất lượng cao là điều cần đặt ra với hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Tây Nguyên lâu nay. Kinh tế hợp tác càng mở rộng, cơ hội giao thương càng lớn, vấn đề này càng cần phải được khẳng định. Nhất là với Đắk Lắk, tỉnh cao nguyên có đầy đủ lợi thế phát triển hạ tầng sản xuất, đầu tư canh tác và thu hoạch chế biến, thế mạnh nông sản thực sự phải trở thành điểm nhấn mời gọi các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước cùng tham gia. “Ai cũng biết Đắk Lắk là thủ phủ cà phê, điểm hẹn thị trường của các giống sầu riêng chất lượng cao, rồi cây ca cao, tiêu, mắc ca… Thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản này đã được xác lập rất rõ ràng ở tỉnh này. Điều ấy dễ dàng kích thích các nhà đầu tư quan tâm, nắm bắt cơ hội làm ăn, đầu tư vào Đắk Lắk với lợi thế nông sản, đặc biệt là đầu tư chuyên sâu, đầu tư sản phẩm phát triển sau nông sản để chiếm lĩnh những thị trường tiêu dùng mới”, ông Dương nhận định.
Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc, một cơ hội quảng bá nông sản Đắk Lắk. |
Điều băn khoăn với ông Dương là sau chuyến đi thực tế khảo sát cơ hội xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên hồi tháng 8 vừa qua, ông nhận thấy nhiều lợi thế ở Đắk Lắk đang còn bỏ ngỏ. Không chỉ có “một vựa nông sản” dồi dào và chất lượng, địa phương này còn đứng trước những cơ hội thu hút đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản, tạo nên một lợi thế thị trường cực kỳ phong phú. Đơn cử với trái sầu riêng, tại Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc vừa qua, đã có 11 nghìn tỷ đồng được thỏa ước triển khai giữa các nhà đầu tư và nông dân địa phương, về khả năng tiêu thụ chính ngạch, xuất khẩu bán buôn sầu riêng chính vụ ra ngoài và các động thái đầu tư thị trường khác. Nhưng đó mới chỉ là một phần của vấn đề. Phải làm sao phát triển được công nghiệp chế biến sâu từ trái sầu riêng, như sản xuất các loại bánh kẹo chất lượng với mùi vị sầu riêng, các loại hoa quả sấy khô, bột sầu riêng dùng trong thực phẩm tiêu dùng… Tương tự, những giống nông sản ca cao, bơ, cà phê, tiêu… của Đắk Lắk đều là “cơ hội vàng” cho những dự án đầu tư chiều sâu, phát triển giá trị gia tăng từ nông sản, nếu biết khai thác và tổ chức vận động xúc tiến đúng hướng, sẽ tìm được rất nhiều nhà đầu tư mới.
Khai thác cơ hội từ các đô thị nông sản
Định hướng quan trọng để thu hút, khai thác cơ hội mời gọi đầu tư vào lợi thế nông sản này, theo ông Dương, lại chính là… phải biết chuẩn bị cho sự định hình các đô thị nông sản. Bởi lẽ, bên cạnh những vùng trồng, khu vực chế biến nông sản, các đô thị hạt nhân của Đắk Lắk sẽ là điểm tập trung, giới thiệu quảng bá thành công hình ảnh, thương hiệu các loại nông sản. Nhu cầu tiêu dùng của chính thị dân ở các khu cụm đô thị mới cũng là một động lực lớn cho hướng tổ chức, canh tác nông sản. Có được những đô thị sẵn sàng hạ tầng cho hướng đầu tư, quảng bá nông sản, Đắk Lắk sẽ càng khai thác tốt các lợi thế sẵn có.
Theo hoạch định quy hoạch của ngành xây dựng Đắk Lắk, đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ có 31 đô thị, trong đó có một đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương (TP. Buôn Ma Thuột), và một đô thị loại 3 (thị xã Buôn Hồ); các đô thị còn lại là sáu đô thị loại 4 (thị xã Ea Kar, các thị trấn Phước An, Buôn Trấp, Ea Drăng, Quảng Phú và Ea Pốk) và 23 đô thị loại 5. Vậy trong những điểm tập trung đô thị này, có bao nhiêu đô thị sẽ chuẩn bị tốt các hạ tầng xã hội, kinh tế phục vụ nông sản? Đó là những khu vực kho ngoại quan, kho lạnh giúp bảo quản chất lượng nông sản sau thu hoạch. Đó là những mặt bằng siêu thị, nhà phố liền kề thuộc các dự án đô thị quy hoạch chỉnh trang đầy đủ, để tổ chức giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh quan hệ thương mại nội địa và xuất khẩu. Đó còn là những điểm hướng dẫn, hỗ trợ tiêu dùng cho người dân đô thị, làm quen với các dòng sản phẩm mới, chuyên sâu từ nông sản, từ đó lan tỏa đi các nơi…
“Nếu những loại nông sản lợi thế, lại không được chính người dân đô thị Đắk Lắk không biết, không dùng; nếu những dòng sản phẩm chế biến chuyên sâu, đa dạng hóa sau thu hoạch nông sản lại không được quảng bá tại chính các đô thị địa phương, thì làm sao cánh cửa thương mại ra ngoài có thể mở rộng hơn? Một khi các đô thị địa phương trở thành điểm quảng bá thực sự, bán hàng thực sự cho các vùng trồng trọt, chuyên canh nông sản, các thương hiệu nông sản của Đắk Lắk mới có được cơ hội, để quay lại kích thích nhu cầu đầu tư, hợp tác phát triển với các nhà đầu tư có năng lực khác”, ông Dương nêu vấn đề.
Rõ ràng trong mắt giới tư vấn, nông sản Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, là một lợi thế, một nhịp cầu đầu tư mạnh mẽ, cần được khai thác hiệu quả hơn. Liên kết các đô thị mới tại địa bàn để thúc đẩy thêm cho nhịp cầu này, lại là vấn đề mà các nhà quản lý, và doanh nghiệp địa phương, thật sự cần lưu ý.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc