Multimedia Đọc Báo in

Gieo "sắc đỏ" trên vùng biên

08:19, 15/09/2022

Anh là kỹ sư điện, chị là kỹ sư nông nghiệp, hai vợ chồng quyết định bỏ việc thành phố để về quê thực hiện dự án trồng ớt trên diện rộng tại huyện Buôn Đôn với tên gọi Sắc đỏ vùng biên.

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, anh Nguyễn Đình Tiến (SN 1993) đến TP. Đà Lạt lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho các nông trại, gia trại. Quá trình làm việc với nhiều khách hàng trồng ớt, anh nhận thấy loại cây này có giá trị kinh tế rất cao, nên nung nấu ý tưởng mang "sắc đỏ" này về phát triển trên quê nhà.

Nghĩ là làm, vào năm 2020, anh Tiến cùng hai người bạn bắt đầu hùn vốn, thuê đất trồng tại TP. Buôn Ma Thuột và xuống giống với diện tích 6 ha. Thực hiện ngay giữa thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, khâu bán hàng gặp khó khăn, kinh nghiệm còn thiếu, nên vùng nguyên liệu của nhóm anh buộc phải giảm dần, rồi ngưng hoạt động và lỗ gần 1,5 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Cao Thy (bên trái) kiểm tra chất lượng ớt trồng.

 Quyết không bỏ cuộc, anh Tiến và vợ là chị Nguyễn Thị Cao Thy tiếp tục dự án trên đất nhà ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn). Tháng 8/2021, anh triển khai trồng trên diện tích 4 sào, đúng thời điểm giá ớt cao, thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Thấy được những tín hiệu mừng, vợ chồng anh tiếp tục liên kết với các hộ dân, nâng diện tích trồng lên 4 ha, hiện đang phát triển tốt và đã cho thu hoạch.

 

Huyện đoàn Buôn Đôn sẽ đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ để dự án Sắc đỏ vùng biên phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương".

 
Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn Nguyễn Quang Trung.

Trồng ớt ở huyện vùng biên Buôn Đôn không mới lạ, nhưng phát triển cây trồng theo hướng hữu cơ như trang trại anh Tiến không nhiều. Diện tích trồng được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và châm phân tự động; dùng màng phủ nông nghiệp giúp hạn chế cỏ dại, tránh thoát hơi nước và giữ ẩm cho đất vào mùa nắng nóng. Quan tâm sức khỏe người dùng, trang trại canh tác theo hướng sinh học, an toàn, thân thiện với môi trường bằng cách tận dụng nguồn phân chuồng có tại địa phương để chăm bón.

Anh Tiến cho hay: Ớt chỉ mất công trồng và chăm sóc 3 tháng đầu, còn 3 tháng sau có thể thu hái liên tục, lợi nhuận thu về bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Một con số khá hấp dẫn so với mặt bằng đời sống chung của người dân địa phương ở vùng đất vốn không thuận lợi về điều kiện khí hậu, đất đai khô cằn như Buôn Đôn.

Anh Tiến cũng đặt ra mục tiêu: "Khi tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng nguyên liệu ớt, bao gồm cả hàng tươi, khô và chế biến luôn chiếm tỷ trọng cao với xu hướng ngày càng tăng. Đây là cơ hội để chúng tôi tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu trong tương lai với mục tiêu đến năm 2023 sẽ mở rộng diện tích trồng luân phiên lên 50 ha trên địa bàn; mở rộng độ phủ cây trồng lên các huyện lân cận như Ea Súp, Cư M’gar. Dự án cũng mong muốn sẽ xây dựng được kho lạnh, tạo dựng thương hiệu cho cây ớt Buôn Đôn vươn xa hơn, tiếp cận được các thị trường tiêu thụ mạnh như Thái Lan, Singapore, Ấn Độ".

Dự án Sắc đỏ vùng biên của vợ chồng anh Nguyễn Đình Tiến (thứ 4, bìa phải) đạt giải Nhất tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp.

Mới đây, dự án của vợ chồng anh Nguyễn Đình Tiến đã xuất sắc giành giải Nhất trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Huyện Đoàn Buôn Đôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.