Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Khổ vì đường xuống cấp nghiêm trọng

08:19, 26/09/2022

Tuyến đường huyện ĐH.07.15, đoạn qua xã Ea Sar và xã Ea Sô (huyện Ea Kar) là tuyến đường huyết mạch, nối liền Quốc lộ 26 với Quốc lộ 29. Tuy nhiên, hiện tuyến đường này đang ngày càng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, học hành, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Tuyến đường huyện ĐH.07.15 trước đây là Tỉnh lộ 11, có chiều dài 15 km, do Sở Giao thông vận tải quản lý, sau đó bàn giao lại cho huyện Ea Kar từ năm 2019. Đây là tuyến đường có lưu lượng xe rất lớn, không chỉ xe của người dân, xe chở khách mà rất nhiều xe tải, xe container chở nông sản, các loại hàng hóa, nguyên vật liệu.

Tuyến đường ĐH.07.15, qua xã Ea Sar và xã Ea Sô (huyện Ea Kar) đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho việc giao thương của người dân.

Theo khảo sát của phóng viên, chỉ trong một buổi sáng đã có hàng trăm loại xe qua lại nơi đây và việc lưu thông vô cùng khó khăn. Vào những ngày khô ráo, mặt đường bụi mù vì rất nhiều đoạn, lớp thảm nhựa đã bị lột lên, lộ rõ đất đá lởm chởm, tạo thành nhiều “ổ voi” hay “vũng trâu đầm”. Những ngày mưa, trên mặt đường có nhiều "ao" nước lớn, nhỏ nằm ngay giữ đường và cả hai bên nên các xe không biết tránh vào đâu, gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Sinh sống tại thôn 5 (xã Ea Sar) đã hơn 20 năm và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa tại đây, ông Nguyễn Văn Định nắm rõ lịch sử của tuyến đường này. Từ một con đường đất nhỏ hẹp, bụi, trơn trượt, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp dần và được thảm nhựa to, đẹp vào năm 2011, ông Định và các hộ dân đã rất vui mừng. Tuy nhiên, chỉ khoảng sau 5 năm đưa vào sử dụng, tuyến đường này bắt đầu xuống cấp, lớp nhựa bong tróc, lở dần ra và tạo thành nhiều hố sâu trên mặt đường. Chỉ vào những vũng nước ngay trước cửa hàng nhà mình, ông Định buồn rầu: “Mùa nắng thì bụi cuốn vào tận bếp, mùa mưa thì như cái ao trước nhà, xe tải đi qua văng cả nước vào cửa hàng. Có nhiều người và cả các cháu học sinh đã té ngã trên đoạn đường này. Trong các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã nhiều lần nêu ý kiến, phản ánh, đề nghị sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết".

Nhiều loại xe có trọng tải lớn tham gia giao thông khiến tuyến đường ĐH.07.15 qua xã Ea Sar và xã Ea Sô (huyện Ea Kar) ngày càng hư hỏng, xuống cấp.

Việc đi lại trên tuyến đường này đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân, tài xế xe tải, xe khách. Do phải tìm những chỗ có thể đi được, nên có nhiều đoạn các xe đã lấn sang phần đường của xe đi ngược chiều và đôi khi xảy ra va chạm, to tiếng cãi vã lẫn nhau. Chị Lê Thị Huê sinh sống ở thôn 1 (xã Ea Sô) cho hay, những hôm trời mưa, nước tràn mặt đường, không biết chỗ nào có hố để tránh, chở con đi học, đi chợ té ngã là chuyện bình thường. Mới đây nhất, một chiếc xe tải chở gạch men đã bị lật, hàng hóa hư hỏng hết, gây ách tách giao thông tại khu vực thôn 5 (xã Ea Sô) gần 3 ngày.

 

UBND huyện đang đề xuất Ban Dân tộc trình UBND tỉnh bố trí kinh phí khoảng 28 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 để nâng cấp tuyến đường ĐH.07.15” .

 
Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar Phạm Quang Tân.​​​​​

Gia đình anh Trần Văn Dương ở thôn Đắk Phú (xã Cư Prao, huyện M’Drắk) trước đây cũng thường xuyên đi tuyến đường này để về thăm mẹ ở xã Xuân Phú (huyện Ea Kar) hoặc đi lên TP. Buôn Ma Thuột khám chữa bệnh, lấy hàng hóa. Tuy nhiên, từ khi tuyến đường ĐH.07.15 hư hỏng, xuống cấp, anh đành phải đi vòng qua tuyến đường Đông Trường Sơn, xa hơn 10 km và nhiều đèo dốc hơn. Anh Dương bày tỏ: “Thà đi xa hơn, tốn thêm ít tiền xăng nhưng an toàn cho cả người và xe còn hơn té ngã, tai nạn. Tôi chỉ mong cấp có thẩm quyền nhanh chóng sửa chữa, vá lại mặt đường cho dân bớt khổ”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn, đây là tuyến đường huyết mạch, giao thương giữa các huyện phía Đông của tỉnh với các tỉnh miền Trung, phục vụ việc trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch. Người dân đã nhiều lần nêu ý kiến, kiến nghị về việc nâng cấp, sửa chữa tuyến đường với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Xã cũng đã nêu kiến nghị, đề xuất trong các cuộc họp giao ban với huyện. Năm 2020, huyện Ea Kar cũng đã tiến hành sửa chữa, vá “ổ gà” nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại hư hỏng.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar Phạm Quang Tân cho biết, trước thực trạng trên, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã có tờ trình về việc xin chủ trương bố trí kinh phí sửa chữa tuyến đường huyện ĐH.07.15, đoạn từ xã Ea Sar đi xã Ea Sô, lý trình Km7+500 đến Km12+500 và đã được UBND huyện đồng ý. Phòng đã phê duyệt báo cáo kỹ thuật sửa chữa tuyến đường huyện ĐH.07.15 với tổng kinh phí trên 236,7 triệu đồng từ vốn sự nghiệp. Ngày 5/9/2022, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã có tờ trình đề nghị Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện bố trí, phân bổ nguồn vốn. Có vốn, Phòng sẽ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thi công sớm nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.