Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp trên vùng đất khó

06:53, 18/09/2022

Dám nghĩ, dám làm, những năm qua thanh niên trên địa bàn huyện biên giới Buôn Đôn đã mạnh dạn khởi nghiệp với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. Khát khao thành công, họ ngày càng mở rộng quy mô, nâng tầm chất lượng sản phẩm, góp phần từng bước cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu trên vùng đất nghèo khó.

Đa dạng mô hình khởi nghiệp

Với người trẻ khởi nghiệp ở Buôn Đôn, cái tên Huỳnh Ngọc Hội (xã Ea Bar) đã trở nên quen thuộc. 5 năm trước, anh bắt đầu nuôi cua đồng để phát triển kinh tế, đồng thời thả kèm thêm ốc. Phát hiện ốc nhồi đem lại hiệu quả cao hơn, anh Hội quyết định chuyển hướng tập trung vào con giống này trên diện tích ban đầu 350 m2. Anh cho biết, khi tích lũy được kinh nghiệm nuôi trồng, gia đình đã mở rộng diện tích nuôi ốc lên 2.000 m2. Trung bình, mỗi năm gia đình thu khoảng 2 tấn ốc thương phẩm, kết hợp bán ốc giống và các sản phẩm từ ốc, thu nhập đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.

Tham quan mô hình nuôi ốc nhồi ở xã Krông Na.

Liên kết để phát triển bền vững, anh Hội hướng dẫn lại kỹ thuật nuôi trồng cho nhiều người, đồng thời là Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ốc nhồi huyện Buôn Đôn với 20 thành viên. Có nguồn nguyên liệu dồi dào ngay từ địa phương, anh Hội cùng người bạn Nguyễn Văn Lâm (xã Ea Bar) bắt tay vào sản xuất các sản phẩm từ ốc như: chả ốc nhồi ống tre, chả ốc cuốn ram, chả ốc cuốn lá lốt, chả ốc om sả... đã và đang được khách hàng rất ưa chuộng. Hiện, nhóm của anh cũng đang tiếp tục mở rộng phát triển cơ sở sản xuất, tăng tính liên kết và mở rộng tiêu thụ ra thị trường...

Sinh sống trên địa bàn có nhiều khu du lịch, chị Bua Kẹo Lào (xã Krông Na) nung nấu ý tưởng thực hiện Dự án Sản xuất rượu cần Bản Đôn. Từ kinh nghiệm gia đình truyền lại, tháng 4/2022, chị thử nghiệm nấu và được người tiêu dùng đánh giá cao. Tiếp tục mở rộng quy mô, chị liên kết với hai người bạn, mỗi ngày làm khoảng 100 ché rượu cần, tầm 15 ngày sau là có thể xuất bán ra thị trường. Khởi động với những tín hiệu lạc quan, hiện nay, dự án của các chị đã mang về thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Chị Bua Kẹo Lào chia sẻ: ”Điều mình mong muốn nhất là vị rượu cần truyền thống của quê nhà sẽ được du khách thập phương yêu mến và biết đến rộng rãi hơn; qua đó tạo điều kiện để các chị em liên kết, ổn định cuộc sống”.

Khai thác tối đa lợi thế ở địa phương, những năm qua, thanh niên Buôn Đôn đã có nhiều mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế hiệu quả. Đơn cử như mô hình cơ sở may gia công tại nhà của chị Nguyễn Thị Luyến (xã Ea Wer), hiện đã tạo nguồn hàng ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với mức lương hằng tháng từ 3,5 - 5,5 triệu đồng. Hay như mô hình nuôi gà thương phẩm của anh Vũ Minh (xã Tân Hòa), trung bình mỗi tháng xuất bán khoảng 1.000 con gà, mang về thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả như: chăn nuôi bò; trang trại nuôi heo thịt, heo rừng, nuôi dê sinh sản; trồng bưởi da xanh, trồng cam... ở các xã Krông Na, Cuôr Knia, Tân Hòa, Ea Wer, Ea Huar, Ea Nuôl...

Đồng hành cùng người trẻ

Thực tế cho thấy, quá trình vượt khó làm giàu, người trẻ vẫn gặp không ít thử thách, trở ngại. Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn chia sẻ, khâu yếu nhất của thanh niên trong khởi nghiệp là nguồn vốn và kỹ năng giao tiếp trước đám đông. Khi chia sẻ thông tin về dự án, hay sản phẩm của mình, rất nhiều bạn thiếu đi sự tự tin, lưu loát, gây cản trở cho việc tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường. Cùng với đó, phần lớn các mô hình kinh tế thanh niên có quy mô còn nhỏ; hoạt động sản xuất, kinh doanh đơn lẻ, manh mún; chưa chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và hình thức liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp.

Tuổi trẻ huyện Buôn Đôn giới thiệu đến khách hàng các sản phẩm khởi nghiệp.
 
"Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp thanh niên về vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật; tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế đến đông đảo đoàn viên thanh niên, tạo thêm động lực cho người trẻ khởi nghiệp”.
 
Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn Nguyễn Quang Trung

Đồng hành cùng tuổi trẻ, thời gian qua, các cơ sở Đoàn, Hội chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu nghề nghiệp và việc làm, vay vốn khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên. Từ năm 2017 đến nay, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện đã luân chuyển, giải ngân 295 triệu đồng cho 20 đề án khởi nghiệp thanh niên trên địa bàn. Hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn khởi nghiệp, nguồn vốn ủy thác, đến nay đã có 7/7 xã ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tổng dư nợ vốn vay ủy thác của tổ chức Đoàn các cấp quản lý gần 67 tỷ đồng.

Ban Thường vụ Huyện Đoàn còn chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên; vận động thanh niên chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và kinh tế gia đình.

Đặc biệt, những năm gần đây, việc triển khai các diễn đàn, cuộc thi khởi nghiệp đã góp phần tạo sân chơi hấp dẫn bạn trẻ. Tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Huyện Đoàn Buôn Đôn, Hội LHPN huyện, Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức vừa qua đã thu hút không ít ý tưởng hay. Theo Ban tổ chức, có rất nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp giàu tính sáng tạo, hoạch toán tài chính rõ ràng với đầu ra sản phẩm chất lượng tốt.

Anh Y Nô Ly Kbuôr (xã Krông Na) cho hay, việc mang Dự án Du lịch cộng đồng – Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, nhạc cụ dân tộc đến Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp giúp anh mở mang thêm nhiều kiến thức bổ ích, đặc biệt là việc mở rộng các mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Còn với các anh Huỳnh Ngọc Hội và Nguyễn Văn Lâm (xã Ea Bar), các chương trình, hoạt động mà Huyện Đoàn triển khai trong thời gian qua thực sự đã tạo thêm cơ hội giúp các anh phát triển sản xuất, phát huy nội lực, khai thác được thế mạnh của địa phương để vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.