Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng chuẩn bị cho sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch

08:09, 12/09/2022

Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chính thức công bố danh sách mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang nước này. Đây là thông tin rất vui cho Đắk Lắk vì là tỉnh có số lượng mã số vùng trồng được cấp nhiều nhất và sầu riêng cũng đang vào vụ chính, thuận lợi cho công tác xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 76 mã số vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có có số lượng mã vùng trồng được phê duyệt nhiều nhất, với 23 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói. Các mã vùng trồng tập trung chủ yếu ở huyện Krông Pắc với 17 mã; còn lại 4 mã của huyện Krông Búk, 1 mã của thị xã Buôn Hồ và 1 mã của TP. Buôn Ma Thuột.

Nông dân xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) thu hoạch sầu riêng.

Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kiểm tra trực tuyến 38 mã vùng trồng sầu riêng và 6 cơ sở đóng gói của địa phương trong gần 15 ngày, với tổng diện tích được kiểm tra là 1.500 ha. Để chuẩn bị cho việc kiểm tra đạt kết quả tốt nhất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã chuẩn bị hồ sơ để phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến theo các quy định về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng; quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói và các quy định tại Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi kiểm tra xong, Chi cục tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, chính quyền địa phương giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra để các vùng trồng, cơ sở đóng gói luôn bảo đảm những tiêu chí theo quy định của nước nhập khẩu.

Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm (huyện Krông Pắc) chia sẻ, sau thời gian dài chuẩn bị mọi thứ từ cơ sở hạ tầng, vườn trồng và phải trải qua đợt kiểm tra ngắt gao từ phía Trung Quốc, đơn vị đã có tên trong danh sách phê duyệt cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Doanh nghiệp hy vọng việc cấp mã vùng trồng kịp thời thì sầu riêng của Đắk Lắk có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong đợt này.

Sầu riêng được tập hợp tại kho của Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm (huyện Krông Pắc).
 
“Đắk Lắk đã rất quyết liệt thực hiện các tiêu chí phía Trung Quốc đưa ra. Đa số các mã số vùng trồng của Đắk Lắk đã đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Trung Quốc”.
 
Ông Lê Văn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Còn ông Nguyễn Đình Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nông Sản CHH Việt Nam (huyện Krông Pắc) cho biết, doanh nghiệp đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã cơ sở đóng gói. Hiện công ty và đối tác phía Trung Quốc đã sẵn sàng mọi thủ tục, chỉ chờ phía Việt Nam và Trung Quốc thống nhất lại lần cuối để cấp mã số cho các chuyến hàng xuất khẩu. Khi đã có mã số các chuyến hàng thì phía công ty sẽ tiến hành xuất khẩu ngay. Việc xuất khẩu chính ngạch là điều kiện tốt, có lợi cho nông dân và doanh nghiệp Việt Nam. Điều này sẽ giúp sầu riêng Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia khác và đặc biệt là nâng cao vị thế sầu riêng của Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung.

Đắk Lắk hiện có khoảng 15.100 ha sầu riêng, chiếm 17,6% diện tích của cả nước và là tỉnh có diện tích lớn thứ hai của cả nước (sau tỉnh Tiền Giang); sản lượng thu hoạch năm 2022 ước khoảng 150.000 tấn. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai rất thích hợp, sầu riêng ở Đắk Lắk được đánh giá rất cao về chất lượng cũng như hương vị đặc trưng ít nơi nào có được và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, giống sầu riêng Dona rất được thị trường các nước ưa chuộng, nhất là Trung Quốc. Và để đón đầu cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững ngay khi Nghị định thư bắt đầu được xây dựng.

Đến thời điểm này, khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố danh sách mã vùng trồng và cơ sở đóng gói thì ngành chuyên môn của Đắk Lắk đã nhanh chóng vào cuộc. Ông Lê Văn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) cho biết, đơn vị đã có văn bản đề xuất Bộ NN-PTNT cho Đắk Lắk là đơn vị xuất khẩu đầu tiên sầu riêng bằng đường chính ngạch sang Trung Quốc. Trong thời gian chờ Bộ NN-PTNT phê duyệt, Chi cục đã chủ động làm việc với huyện Krông Pắc, 4 doanh nghiệp được cấp mã để thống nhất các nội dung, chuẩn bị cho công tác xuất khẩu.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.