Tạo sức bật mới cho kinh tế tập thể (Kỳ 4)
Kỳ 4: Còn đó những "điểm nghẽn"
Nhiều hợp tác xã (HTX) vẫn chưa phát huy hết vai trò trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Và không ít HTX dù đã chuyển đổi nhưng bản chất hoạt động vẫn theo kiểu cũ; một số địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ các HTX nông nghiệp… Đó chính là những hạn chế trong quá trình phát triển HTX ở các địa phương.
Yếu về năng lực nhân sự
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 630 HTX đã đăng ký thành lập, nhưng trong đó có 134 HTX đã ngừng hoạt động, tồn tại hình thức, chiếm trên 21% tổng số HTX. Đơn cử như huyện Ea Kar có 53 HTX, trong đó chỉ có 35 HTX đang hoạt động, 14 HTX chưa giải thể được dù đã triển khai. Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể (KTTT) huyện đã tiến hành rà soát thì thực tế chỉ có 7 – 8 HTX hoạt động hiệu quả, còn lại đa phần rất khó khăn: thiếu vốn, thiếu trụ sở, phải mượn nhà giám đốc, xưởng sản xuất hạn chế... Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm; chưa có cán bộ làm công tác chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về KTTT…
Lãnh đạo Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) (đứng giữa) kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên đồng ruộng. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển KTTT - HTX tỉnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ngừng hoạt động của các HTX trước hết phải kể đến năng lực của cán bộ quản lý, điều hành HTX còn hạn chế nên chưa sẵn sàng cho việc thích ứng với những thay đổi mang tính khách quan trong việc cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, việc áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong kinh doanh. Điều này cũng dẫn đến nhiều HTX chưa có tầm nhìn, chiến lược dài hạn, thiếu chủ động trong việc xây dựng phương án tổ chức sản xuất, chưa quan tâm nhiều đến đầu ra sản phẩm. Do đó, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị dù được triển khai nhưng chưa thực sự bền vững, vẫn còn ở quy mô nhỏ; các vấn đề liên quan đến tuân thủ hợp đồng liên kết – tiêu thụ sản phẩm chưa được thực hiện nghiêm túc. Mặt khác, phần lớn các HTX chưa liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên; giữa HTX với HTX; giữa HTX với doanh nghiệp. Chính vì vậy, lợi ích mang lại cho thành viên HTX chưa cao, nên chưa gắn kết được các thành viên yên tâm hoạt động trong HTX.
Bên cạnh đó, nhận thức về Luật HTX năm 2012 của một số cán bộ quản lý, thành viên HTX chưa đầy đủ, nên khi áp dụng các quy định còn lúng túng; HTX vẫn quan tâm nhiều đến các hỗ trợ tài chính thay vì hỗ trợ về kiến thức và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tiếp cận thị trường; đội ngũ cán bộ quản lý của một số HTX còn hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn không đáp ứng kịp thời yêu cầu thị trường.
Khó tiếp cận cơ chế, chính sách
Trên thực tế, hạn chế về vốn là rào cản rất lớn của các HTX nông nghiệp trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, ký kết các đơn hàng tiêu thụ có giá trị cao. Chẳng hạn như HTX 714 (huyện Ea Kar) hiện đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư máy móc phục vụ cơ giới hóa đồng ruộng nhưng điều kiện về tài sản thế chấp chưa đủ đáp ứng. “Điều này cũng khiến HTX loay hoay với bài toán “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nông nghiệp nông thôn đang đặt trọng trách lên vai HTX trong xây dựng nông thôn mới”, ông Vũ Xuân Thu, Giám đốc HTX chia sẻ.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (xã Tân Lập, huyện Krông Búk) thu hoạch sầu riêng. |
Mặt khác, việc triển khai chính sách hỗ trợ HTX tại một số địa phương chưa kịp thời nên số lượng HTX tiếp cận được các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách giao đất, thuê đất còn hạn chế. Hầu hết các địa phương chưa ưu tiên bố trí quỹ đất cho khu vực KTTT, HTX để phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như xây dựng kho, trụ sở. Chính sách tín dụng đối với HTX cũng còn khó khăn, rất ít HTX được tiếp cận với chính sách này.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Việc đánh giá đúng thực trạng để có những giải pháp thiết thực phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Trong đó, chúng ta phải lấy con người là trọng tâm, mục tiêu và chủ thể của quá trình thực hiện chính sách này của Đảng. Cùng với đó là những lợi ích mà người dân được hưởng thông qua chủ trương lớn này của Đảng để qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KTTT, HTX”. - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
|
Theo Ban Chỉ đạo phát triển KTTT - HTX tỉnh, "điểm nghẽn" khó tháo gỡ nhất trong phát triển KTTT, HTX chính là những vướng mắc trong triển khai quy định Luật HTX năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cụ thể: Tại khoản 3 Điều 6 Luật HTX năm 2012 quy định: HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp được hưởng chính sách “giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về đất đai”. Tuy nhiên, tại Điều 54 và Điều 55 Luật Đất đai năm 2013 lại không quy định giao đất cho tổ chức kinh tế (bao gồm HTX, liên hiệp HTX) sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp mà chỉ quy định cho thuê đất như các thành phần kinh tế khác tại Điều 56, Điều 133 Luật Đất đai năm 2013. Do vậy, các HTX hầu như không tiếp cận được chính sách ưu đãi giao đất như Luật HTX năm 2012 đã nêu.
Hay tại điều 25 Nghị định số 107/2017/NĐ-CP, ngày 15/9/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX có chính sách khuyến khích thành viên HTX góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mặt nước để làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối của HTX, liên hiệp HTX nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện nên còn lúng túng trong việc góp vốn theo hình thức này. Ngoài ra, còn một số chính sách hỗ trợ tín dụng cho HTX nhưng rất ít HTX nông nghiệp tiếp cận được vì điều kiện thế chấp không bảo đảm…
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển KTTT - HTX tỉnh đánh giá, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, HTX, tổ hợp tác phát triển cả về lượng và chất, trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. KTTT, HTX đã hỗ trợ cho các hộ nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội. Tuy nhiên, khu vực KTTT, HTX còn nhiều hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục. Tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định, chưa bền vững; tỷ lệ đóng góp vào GDP thấp và xu hướng giảm dần, chưa đáp ứng được mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Để kinh tế tập thể vươn ra “biển lớn”
Cao Minh Giang
Ý kiến bạn đọc