Multimedia Đọc Báo in

Nan giải chống hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng

08:08, 27/10/2022

Thương mại điện tử (TMĐT) là mảnh đất “màu mỡ” để doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng kinh doanh song cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức cho cơ quan chức năng.

Không dễ quản lý

Tại buổi làm việc giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389) quốc gia với Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh hồi trung tuần tháng 10 mới đây, ông Giao Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cho biết, “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái đã gian nan, nay càng khó khăn hơn trên môi trường mạng. Bởi đa phần đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng kinh doanh cố định, chỉ rao bán và tiếp nhận đơn hàng online, hàng hóa phân tán nhiều nơi, giao hàng với số lượng nhỏ lẻ... Đáng nói là tình trạng lợi dụng công nghệ thông tin để thực hiện hành vi vi phạm như: mở nhiều tài khoản, đăng ký thông tin “ảo”... gây khó khăn trong việc kiểm tra, truy tìm những cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp "ảo" này.

Phát hiện cơ sở kinh doanh nhiều sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội Facebook tại huyện Ea Súp.

Hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng còn được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn xâm phạm đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp... Việc đấu tranh xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng TMĐT đặt ra thách thức mới cho cơ quan chức năng. Vì đây là lĩnh vực mới nên khó khăn trong công tác quản lý, trong khi đó, đội ngũ chuyên trách của Cục QLTT Đắk Lắk hầu hết kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu; trang thiết bị thực thi công vụ chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới...

Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, Cục QLTT - đơn vị chủ công trong kiểm tra, kiểm soát thị trường - đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ thực thi công vụ trong lực lượng. Theo đó, lực lượng QLTT đã dần “chuyển mình”, thay đổi lề lối, phương pháp làm việc, áp dụng công nghệ thông tin vào thực thi công vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, Tổ công tác TMĐT của Cục QLTT được thành lập, dần trở thành lực lượng chuyên trách đấu tranh, xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, dù đã quyết liệt kiểm tra, ngăn chặn nhưng công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại trên nền tảng TMĐT vẫn là bài toán nan giải.

Tăng cường công tác phối hợp, nâng cao năng lực thực thi pháp luật

 

“Cục QLTT Đắk Lắk xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại không chỉ trong thương mại truyền thống mà cả trên không gian mạng, ở lĩnh vực TMĐT” - Phó Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk Giao Thanh Tùng khẳng định.

Tình trạng gian lận thương mại trên nền tảng TMĐT đang là vấn đề gây nhức nhối với cơ quan chức năng và đặt ra yêu cầu cao hơn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức tinh vi của gian thương trên môi trường số.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết, TMĐT đang là xu hướng mua, bán hàng của nhiều người. Song, cũng trong xu thế này, hoạt động xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng diễn ra phổ biến hơn. Lợi dụng môi trường mạng, không ít tổ chức, cá nhân thông qua TMĐT để chào bán các sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng của hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng…

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng, Ban Chỉ  đạo 389 của tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-BCĐ389, ngày 4/12/2020 về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh.

Bước đầu, công tác đấu tranh đã có những kết quả tích cực. 9 tháng của năm 2022, các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý 51 vụ vi phạm ở lĩnh vực TMĐT, với tổng số tiền thu qua xử lý hơn 1,2 tỷ đồng, tịch thu nhiều hàng hóa như: 367 sản phẩm là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, 298 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, 7 điện thoại di động Iphone 11 promax, 3.157 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, 1.400 sản phẩm quần, áo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mới đây, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Đắk Lắk đã lập biên bản, chuyển UBND TP. Buôn Ma Thuột ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền 85,5 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá hơn 140 triệu đồng (gồm 206 cái áo khoác các loại, 158 cái quần dài, 1.028 cái áo thun) đối với hộ kinh doanh Trần Thị Trúc Linh (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột).

Tập huấn nghiệp vụ phân biệt hàng thật, hàng giả cho lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk.

Trước đó, qua công tác theo dõi, nắm tình hình hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, Tổ TMĐT phối hợp với Đội QLTT số 1 đã kiểm tra, phát hiện cơ sở của bà Linh kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội Facebook, có các hành vi vi phạm như: Kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; không nộp hồ sơ kê khai thuế; nộp hồ sơ kê khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định; năm 2021 đến nay, hộ này không đăng ký, kê khai thu, nộp phí, lệ phí với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Để công tác chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường TMĐT đạt hiệu quả cao, theo Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, công tác phối hợp giữa các đơn vị chức năng liên quan của tỉnh là rất quan trọng; cần có sự vào cuộc, trao đổi thông tin thường xuyên hơn nữa của các cơ quan chức năng, địa phương và cả sự lên tiếng của người tiêu dùng để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong việc phát hiện, xác minh, kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm...

Liên quan đến việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT, Cục QLTT tỉnh cũng có kiến nghị cần đẩy mạnh tập huấn, đào tạo kỹ năng cho lực lượng QLTT về thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong TMĐT. Đồng thời, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh trên nền tảng TMĐT cần tìm hiểu kỹ để chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc