Multimedia Đọc Báo in

Phát triển hạ tầng - nâng tầm đô thị (kỳ 2)

06:20, 04/10/2022

Kỳ 2: Trên hành trình đến đô thị loại III

Tại Kết luận số 426-KL/TU ngày 27/8/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/10/2012 của Tỉnh ủy về "Phát triển hệ thống đô thị đến năm 2015, định hướng đến năm 2020", Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định cần cụ thể hóa được các yêu cầu nhiệm vụ về phát triển đô thị tỉnh Đắk Lắk theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, quan tâm phát triển các đô thị lớn, động lực của tỉnh.

Phát triển các khu đô thị

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt tiêu chí đô thị loại III như tinh thần Kết luận 426-KL/TU, thị xã Buôn Hồ đã hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã đến năm 2035 xin ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt. Hiện nay, thị xã đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch xây dựng 5 xã, điều chỉnh 2 phân khu và 5 quy hoạch chi tiết khu dân cư đô thị để thực hiện các thủ tục kêu gọi, xúc tiến đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Khu đô thị Đông Nam thị xã Buôn Hồ chú trọng đến các mảng xanh trong quá trình xây dựng. Khu đô thị Đông Nam thị xã Buôn Hồ chú trọng đến các mảng xanh trong quá trình xây dựng.

Bên cạnh đó, thị xã đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 2 khu dân cư đô thị (Khu đô thị Đông Nam và Khu dân cư đô thị Tây Bắc II - phường An Lạc) với quy mô khoảng 48 ha, tổng kinh phí gần 2.400 tỷ đồng từ nguồn vốn của các doanh nghiệp. Trong đó, Dự án Khu đô thị Đông Nam do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại VN Đà Thành làm chủ đầu tư với quy mô hơn 19 ha, tổng mức vốn đầu tư 232 tỷ đồng. Hiện công ty đang tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cho toàn bộ dự án. Dự án Khu đô thị Tây Bắc II do liên danh Công ty Cổ phần Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (TP. Hà Nội) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nam Quang (tỉnh Hải Dương) đầu tư với quy mô sử dụng đất 27 ha, quy mô dân số 5.952 người; tổng mức đầu tư dự án trên 2.161 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng công trình nhà ở, khu thương mại hơn 1.785 tỷ đồng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 376 tỷ đồng.

 

Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Buôn Hồ được định hướng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch vùng phía Bắc của tỉnh; đồng thời, cũng là trung tâm du lịch sinh thái – văn hóa, trung tâm công nghiệp tập trung, trung tâm chế biến cà phê của vùng và của cả nước.

Có thể nói, việc xây dựng và hình thành các khu dân cư đô thị không chỉ tạo môi trường, điều kiện sống ổn định cho người dân địa phương, hình thành khu đô thị xanh - sạch - đẹp với đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; nâng cao tỷ lệ cây xanh đô thị, cải tạo khí hậu mà còn từng bước xây dựng bộ mặt kiến trúc và góp phần vào quá trình đô thị hóa của thị xã Buôn Hồ. Ngoài ra, thị xã đang tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, thực hiện cải tạo, nâng cao mở rộng và phát triển các khu đô thị hành chính – dịch vụ tại các phường An Lạc, An Bình, Đạt Hiếu; khu đô thị phường Thiện An…

Dồn sức cho mục tiêu lớn

Dù cơ sở hạ tầng trên địa bàn thị xã đã được quan tâm đầu tư nhưng hiện vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đô thị. Đơn cử như: mật độ đường giao thông mới đạt 2,24 km/km2 trong khi đó theo tiêu chí đô thị loại III phải đạt tối thiểu 7 km/km2; hệ thống điện chiếu sáng công cộng mới đạt 22 km/gần 70 km; hệ thống thoát nước thị xã chưa được đầu tư xây dựng; một số công trình hạ tầng cấp đô thị như Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa… chưa được đầu tư xây dựng đảm bảo theo tiêu chí đô thị loại III… Đặc biệt, công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư trên địa bàn thị xã còn rất nhiều khó khăn; thị xã vẫn đang còn 5 tiêu chí của đô thị loại IV chưa đạt.

Một góc buôn Tring (phường An Lạc) được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.

Nguyên nhân của vấn đề này là do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ; nhiều tuyến đường bị xuống cấp, hư hỏng gây khó khăn cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, giảm tính kết nối giữa vùng nguyên liệu và nhà máy. Mặt  khác, nguồn ngân sách tỉnh phân bổ cho địa phương chưa nhiều đã gây khó khăn trong công tác đầu tư cũng như thực hiện các chỉ tiêu của đô thị. Được biết, trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư để phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn thị xã chỉ mới gần 520 tỷ đồng, tương ứng khoảng 13,6% so với chỉ tiêu đề ra; trong đó, ngân sách tỉnh bố trí khoảng 205 tỷ đồng, tương ứng khoảng 39,4%.

Để thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị loại III vào năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, Buôn Hồ cần tập trung phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh có giá trị tăng cao như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến để thu hút đầu tư; xây dựng mối liên kết vùng với các địa phương; phát triển các khu đô thị mới. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ công chức năng động đáp ứng nhu cầu đề ra; quan tâm đến yếu tố hạ tầng giao thông kết nối liên vùng…

Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Buôn Hồ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế -  xã hội của thị xã, tập trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV, từng bước triển khai thực hiện một số tiêu chí đô thị loại III, đặc biệt quan tâm hình thành một số hạ tầng khung đô thị, hệ thống các trục giao thông đối ngoại, kết nối trong và ngoài thị xã thuận lợi; hoàn thiện khu hành chính mới; đầu tư một số công trình quan trọng tạo điều kiện phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và văn hóa – xã hội. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng và thực hiện mô hình đô thị thông minh, chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của thị xã và các xã, phường...

Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phạm Phú Lộc cho biết, để phát triển Buôn Hồ theo đúng với định hướng phát triển chung, nhất là sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thị xã phát triển nhanh, sớm trở thành trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh, thời gian tới địa phương sẽ triển khai quyết liệt chương trình trọng điểm phát triển đô thị để từng bước làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn; triển khai kêu gọi xúc tiến đầu tư 3 khu dân cư đô thị và 2 khu du lịch sinh thái trên địa bàn. Để thực hiện những điều này, ngoài sự nỗ lực của địa phương rất mong cấp trên sớm bố trí kinh phí để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.