Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng hiệu quả vốn vay để phát triển kinh tế

08:44, 20/10/2022

Trước đây, cuộc sống gia đình chị H'Búi Ayun (ở buôn Drai Xí, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) chỉ trông vào 1 ha cà phê với sản lượng hằng năm hơn 2 tấn. Do thời tiết diễn biến thất thường, giá cả không ổn định nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn.

Sau khi tham gia sinh hoạt và trở thành hội viên Hội LHPN tại địa phương, không chỉ được tư vấn, hướng dẫn cách làm ăn, chị H'Búi còn được chị em trong chi hội động viên, tư vấn vay vốn để phát triển kinh tế, đặc biệt là giúp định hướng sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Từ đó, chị đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn vay tổng cộng hai đợt được 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăm sóc vườn cà phê, mua thêm con giống về chăn nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi và chăm sóc đúng kỹ thuật, các đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị phát triển tốt.

Hiện gia đình chị có đàn gà hơn 100 con, đàn ngan hơn 50 con, dê 25 con, đàn bò 7 con, thỏ trên 20 con, đàn heo duy trì khoảng 50 con. Tận dụng những khoảnh đất trống trong vườn chị trồng thêm cỏ, ngô và sử dụng các phế phẩm sinh học để chế biến thức ăn cho các đàn gia súc, gia cầm. Những năm gần đây, gia đình chị H'Búi luôn duy trì nguồn thu ổn định (sau khi trừ hết các chi phí) bình quân hơn 150 triệu đồng/năm.

Chị H'Búi Ayun (bên trái) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Đến nay, chị H’Búi đã hoàn trả vốn vay cho ngân hàng, cuộc sống ổn định và mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Chị H'Blên Ayun, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tar nhận xét: “Chị H'Búi Ayun là một trong những tấm gương điển hình về phụ nữ dân tộc thiểu số vượt khó, dám nghĩ, dám làm, vươn lên trong phát triển kinh tế ở địa phương. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị đã được Hội LHPN xã chọn để tuyên dương và giới thiệu cho các chị em ở địa phương tham quan, học tập, nhất là hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số”.

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.