Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai M’nông và hành trình phát triển du lịch rừng

09:38, 20/11/2022

Y Xim Ndu, một chàng trai dân tộc M’nông trên quê hương huyện Lắk đã từ bỏ công việc ổn định ở một cơ quan nhà nước để theo đuổi đam mê làm du lịch, sẵn sàng đón nhận thử thách trên hành trình lập thân, lập nghiệp.

Tìm cơ hội trong thách thức

Y Xim Ndu (SN 1992, ở buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk) từng công tác tại văn phòng UBND xã, nhưng vì đam mê làm du lịch, cuối năm 2018 anh đã từ bỏ công việc để đến Sa Pa, Đà Lạt vừa làm, vừa học hỏi cách làm du lịch của người dân những nơi này. Sau đó, Y Xim quyết định đến Campuchia làm việc về lĩnh vực nông nghiệp. Tích góp được một khoản vốn nhỏ, Y Xim trở về quê hương tiếp tục theo đuổi ước mơ làm du lịch. Khởi nghiệp đúng vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng theo Y Xim đó vừa là thử thách để bản thân anh tự tôi rèn, và đây cũng là cơ hội để anh xây dựng các tour du lịch sinh thái.

Y Xim Ndu (bìa trái) và khách du lịch trong chuyến trải nghiệm đỉnh Chư Yang Lắk.

Y Xim chia sẻ, sau đại dịch COVID-19, mọi người có xu hướng tìm về với thiên nhiên, núi rừng nhiều hơn, tìm đến nơi có không khí trong lành, tránh xa dần khói bụi, tiếng ồn và áp lực công việc tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, các cánh rừng trên địa bàn huyện Lắk còn gắn liền mật thiết đến cuộc sống mưu sinh, lịch sử và tín ngưỡng văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ như M’nông, Êđê. Chính vì vậy việc thực hiện Dự án phát triển các hoạt động du lịch sinh thái rừng, du lịch dưới tán cây rừng gắn kết với việc bảo vệ môi trường và gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc đã và đang thu hút, giữ chân du khách, góp phần phát triển ngành du lịch của huyện Lắk nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Tỉnh Đắk Lắk có nhiều địa danh, phong cảnh nổi tiếng gắn với rừng như: Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, hồ Lắk... Các khu rừng tại Đắk Lắk có vị trí, đặc điểm tự nhiên thuận lợi, tính đa dạng sinh học phong phú, đặc biệt là các đỉnh núi cao như Chư Yang Sin, Chư Yang Lắk… và các thác nước hùng vĩ.

Từ những lợi thế này, Y Xim đã hình thành ý tưởng phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá. Trong đề án tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022, Y Xim cho biết, một tour của hành trình khám phá về với thiên nhiên, văn hóa và con người ở huyện Lắk sẽ đưa du khách tham gia các chuyến đi bộ vào trong rừng, men theo các con đường mòn, khám phá thác nước, hệ sinh thái rừng, chinh phục những ngọn núi cao, "săn" mây, tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.

Trong mỗi chuyến đi, du khách sẽ được tham gia trồng rừng hoặc tung "bom" hạt giống tại những nơi có đồi núi trọc hoặc khu vực cây rừng thưa thớt, dọn sạch rác trên đường đi, điểm nghỉ và điểm cắm trại. Mỗi chuyến đi sẽ có cán bộ Ban Quản lý rừng cùng tham gia với đoàn du khách, hỗ trợ, giám sát, đồng thời là chuyến đi kết hợp tuần tra bảo vệ rừng. Kết thúc chuyến đi, du khách sẽ được trở về buôn làng của người M’nông, trong không gian nhà sàn để thưởng thức ẩm thực truyền thống, tiệc rượu cần chia tay và tìm hiểu văn hóa địa phương, giao lưu đêm lửa trại, cồng chiêng Tây Nguyên.

Hướng tới mức doanh thu 2 tỷ đồng/năm

Quá trình lập nghiệp của Y Xim, ngoài sự nỗ lực của bản thân, hỗ trợ của các cộng sự, còn có sự đồng hành của chính quyền địa phương nơi anh sinh sống. Trước hết, đó là sự hỗ trợ của Ban Quản lý rừng lịch sử văn hóa và môi trường hồ Lắk thường xuyên phân công cán bộ quản lý rừng giám sát các hoạt động du lịch sinh thái rừng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để du khách tham gia các chuyến du lịch an toàn. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng ủng hộ, tích cực tuyên truyền, khuyến khích và giới thiệu các hoạt động du lịch sinh thái gắn với cộng đồng trong những năm vừa qua.

Y Xim NDu (bên phải) trao đổi công việc với cộng sự.

Sau cuộc thi khởi nghiệp, Y Xim đã thành lập Công ty TNHH Du lịch Chư Yang Sin, với mục tiêu hằng năm sẽ thu hút hơn 1.000 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt 2 tỷ đồng/năm. Dự án đi vào hoạt động ổn định dự kiến tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương. Trong các chuyến du lịch trong rừng sẽ trồng mới hơn 1.000 cây rừng mỗi năm.

Nói về những dự định trong tương lai, Y Xim cho biết, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục chủ động liên hệ, kết nối với các ban quản lý khu rừng để khảo sát, lập những cung đường, địa điểm mới cho du khách tham gia khám phá, trải nghiệm. Bên cạnh đó, anh sẽ tiếp tục liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác của các làng nghề truyền thống, đội cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc để tổ chức cho du khách trải nghiệm. Đồng thời sẽ phục dựng lại một căn nhà sàn gỗ - đây như là một điểm tham quan, đón khách và là không gian sinh hoạt, trải nghiệm đối với du khách.

Tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022, Dự án Du lịch sinh thái rừng gắn kết bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc địa phương của Y Xim Ndu đạt giải Nhì. Giải thưởng đã tiếp thêm động lực và niềm tin để chàng trai trẻ trên con đường hiện thực hóa ước mơ phát triển du lịch sinh thái tại quê hương mình.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.