Multimedia Đọc Báo in

Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Ưu tiên giải ngân nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

13:42, 11/11/2022

Sáng 11/11, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chủ trì cuộc họp.

Dự cuộc họp tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương; đơn vị tư vấn và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh.

Các đại biểu dự cuộc họp tại điểm cầu Đắk Lắk.
Các đại biểu dự cuộc họp tại điểm cầu Đắk Lắk.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 dài khoảng 117,5 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 21.935 tỷ đồng, được chia thành 3 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 có chiều dài khoảng 32km, do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.632 tỷ đồng. Hiện nay tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); lắp đặt xong 640 cọc GPMB ngoài hiện trường. Công tác bay chụp, khảo sát địa hình, thu thập số liệu, khảo sát thủy văn, khảo sát giao thông, đánh giá tác động đến các dự án liên quan và công tác tham vấn cộng đồng cũng đã được hoàn thành.

Dự án thành phần 2 có chiều dài 37,5 km, do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư 9.818 tỷ đồng. Hiện dự án cũng đã lắp đặt cọc GPMB ngoài hiện trường cho 3,4/6,8km đợt 1; công tác khảo sát địa chất đạt 82%.

Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phan Xuân Bách báo cáo tiến độ thực hiện Dự án thành phần 3.
Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phan Xuân Bách báo cáo tiến độ thực hiện Dự án thành phần 3.

Dự án thành phần 3 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 48km, sơ bộ tổng mức đầu tư là 6.485 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thiện công tác khảo sát hiện trường, báo cáo kết quả khảo sát và chuẩn bị nghiệm thu khảo sát; hoàn thiện làm việc với các cơ quan liên quan về giao cắt đường tỉnh, đường huyện và các hạng mục khác liên quan; đã hoàn thiện thiết kế cơ bản phương án tuyến trình Cục Quản lý xây dựng rà soát, thẩm định, đã có kết quả thẩm định 2 lần, với tổng 35,28km. Công tác thiết kế cắm cọc GPMB đã chỉ đạo tư vấn hoàn thiện thiết kế và chuẩn bị phê duyệt khi đủ điều kiện…

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận và nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất một số giải pháp thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá, Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là Dự án trọng điểm quốc gia. Thời gian qua, Bộ GTVT và các địa phương đã có quy chế phối hợp để tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn rà soát, báo cáo số liệu về dự báo lưu lượng phương tiện liên quan đến quy mô nhánh rẽ và hình thái nút giao, đề xuất mỗi nút giao phải phù hợp với nghiên cứu tiền khả thi Dự án và thuận tiện cho người tham gia giao thông trên tuyến, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, có tính đến phương án đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh, phù hợp với nhu cầu vận tải.

Về hệ thống ITS (hệ thống ống, bể cáp để thi công đồng bộ với các gọi thầu xây lắp), Bản Quản lý dự án 6 với vai trò chủ trì, phối hợp và chủ đầu tư Dự án thành phần 2, Bộ đề nghị Ban đề xuất phương án hệ thống ITS đảm bảo đồng bộ trên toàn tuyến, vì đây là hạng mục phức tạp liên quan đến kết nối hệ thống công nghệ thông tin giữa 3 dự án thành phần.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, quá trình triển khai Dự án này sử dụng 3 nguồn vốn gồm: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Hiện nay, Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ giao vốn. Sau khi được Chính phủ giao vốn, Bộ sẽ chuyển về cho các địa phương.

Thứ trưởng lưu ý đối với nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, sau khi có vốn thì các địa phương cần phải ưu tiên giải ngân trước vì nguồn này chỉ có thời hạn trong năm 2023. Do đó, quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk cần trao đổi với bộ, ngành liên quan để được hỗ trợ…

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.