Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Ea Púk

08:05, 09/11/2022

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền và người dân xã Ea Púk (huyện Krông Năng) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả.

Xã Ea Púk hiện nay đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới; còn thiếu 4 tiêu chí để về đích, đó là giao thông, hạ tầng thương mại nông thôn, thu nhập và giảm nghèo đa chiều. Ông Phan Thanh Ban, Chủ tịch UBND xã Ea Púk cho biết, xã phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí và về đích nông thôn mới vào năm 2024, ở mỗi tiêu chí đều có những giải pháp cụ thể để hoàn thành. Riêng từ nay đến cuối năm phấn đấu đạt tiêu chí số 10 về thu nhập của người dân. Một trong những giải pháp là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng thu nhập cho người dân và giảm hộ nghèo trên địa bàn xã.

Theo lãnh đạo xã, Ea Púk có cây chủ lực là cà phê, tuy nhiên điều kiện tự nhiên khí hậu, thổ nhưỡng cũng phù hợp với mắc ca, sầu riêng - hai loại nông sản có giá trị cao trên thị trường. Vì vậy, dựa trên tình hình thực tế, chính quyền xã vận động, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi, xen canh thêm các loại cây này và một số loại khác trên cùng một diện tích để tăng thu nhập. Tuy nhiên, cán bộ chuyên môn cũng định hướng bà con không nên ồ ạt tăng diện tích tránh phá vỡ quy hoạch, bảo đảm sự ổn định đầu ra của sản phẩm.

Thuộc vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn, trong năm 2022, xã Ea Púk đang được thực hiện song song hai dự án mô hình phát triển sinh kế bò cái sinh sản cho hộ nghèo, với tổng nguồn vốn hơn 1,5 tỷ đồng, cấp cho 75 hộ nghèo để chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tiến tới thoát nghèo trong những năm tiếp theo.

Ngoài những chính sách, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, mỗi hộ gia đình, người dân trên địa bàn xã cũng thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh doanh… để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Vợ chồng anh Đinh Thanh Hiền (thôn Giang Minh) chuẩn bị sấy mắc ca.

Đơn cử như gia đình chị Đinh Thị Thu Hường và anh Đinh Thanh Hiền (thôn Giang Minh), những năm trước đây, với 3 ha đất rẫy anh chị chỉ tập trung trồng cây cà phê, hồ tiêu. Đến năm 2011, cà phê đã già cỗi cho sản lượng thấp, giá cả lại bấp bênh; tiêu bị chết do sâu bệnh, anh chị quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong quá trình tái canh cà phê, vợ chồng anh Hiền trồng xen canh thêm một số loại cây khác như dổi, sầu riêng và mắc ca.

Anh Hiền cho biết: “Ban đầu tôi chỉ trồng khoảng 200 cây mắc ca, để xem có phù hợp hay không, thu nhập thế nào mới tăng thêm số lượng cây. Đến nay, sau 3 đợt trồng bổ sung, vườn nhà đã có khoảng 500 cây mắc ca. Ngoài ra, tôi cũng trồng thêm 200 cây sầu riêng và 100 cây vải, dổi…”. Anh Hiền đã tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, tham quan các mô hình trồng mắc ca hiệu quả ở những địa phương khác để học hỏi, áp dụng. Hiện nay, 200 cây mắc ca của gia đình anh chị đã cho thu hoạch ổn định với sản lượng 3 tấn/năm.

Ban đầu khi lượng mắc ca của gia đình còn ít, anh chị bán quả tươi hoặc bán quả tách vỏ bằng phương pháp thủ công. Sau này khi sản lượng nhiều hơn, để gia tăng giá trị hạt mắc ca, anh Hiền đầu tư mua tủ sấy hạt và dụng cụ tách hạt để chế biến thành phẩm, bán cho khách quen trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm thu nhập của gia đình anh Hiền từ cây trái trong vườn nhà lên đến hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Anh Hoàng Văn Tiếp (thôn Giang Điền) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Gia đình anh Hoàng Văn Tiếp (thôn Giang Điền) cũng là một trong những hộ chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng hiệu quả. Anh Tiếp đã có 11 năm nuôi bò lai Sind, bò vàng, nhưng thu nhập không đáng kể. Từ sau khi được tham gia các lớp tập huấn ở xã, huyện, biết thêm nhiều kiến thức và giống bò mới, vợ chồng anh quyết định chuyển sang nuôi bò 3B, Angus và hiện trong chuồng luôn dao động khoảng 10 con bò, được chăm sóc đúng kỹ thuật. Tận dụng nguồn phân chuồng có sẵn từ chăn nuôi, anh chị tiếp tục chăm bón vườn cây 2 ha của gia đình. Trước đây trên diện tích này, anh trồng cà phê, sau đó là cao su, nhưng vẫn không mang lại hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng sầu riêng, xen canh những loại cây ăn trái khác thì thu nhập tăng gấp đôi, cuộc sống có nhiều chuyển biến tích cực.

Trên địa bàn xã Ea Púk hiện có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả thiết thực. Đó sẽ là nền tảng giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.