Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu xã hội

08:27, 10/11/2022

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương các cấp, công tác đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn huyện Krông Ana được triển khai hiệu quả cả về lượng và chất.

Trên cơ sở nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách địa phương phân bổ về, hằng năm Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN) huyện Krông Ana đã lập kế hoạch cụ thể tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp. Đồng thời, Trung tâm cũng khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của người học, thị trường lao động trong và ngoài tỉnh để xây dựng chương trình học gắn với nhu cầu thực tiễn.

Theo đó, căn cứ vào kế hoạch đào tạo hằng năm, Trung tâm đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đoàn thể các thôn, buôn khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, công tác tuyển sinh thêm phần thuận lợi, các lớp học đều thu hút đông đảo học viên tham gia.

Cách đây hơn 10 năm, ông Đào Ngọc Toản, ở thôn 2 (thị trấn Buôn Trấp) tham gia học lớp đào tạo nghề trồng và khai thác nấm. Thời điểm đó, đây là nghề còn mới lạ đối với người dân trên địa bàn huyện, nhưng với suy nghĩ cứ học cho biết, rồi thử nghiệm mới biết thành công hay thất bại nên ông Toản mạnh dạn đăng ký tham gia lớp học.

Nhờ sự “cầm tay, chỉ việc” của cán bộ, giáo viên Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana (nay là Trung tâm GDNN-GDTX huyện), sau khi kết thúc khóa học ông đã bàn với gia đình bắt tay vào trồng nấm. Ban đầu, kinh nghiệm chưa có, chưa nắm rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm này nên gia đình ông chỉ làm ở quy mô nhỏ, trồng những loại nấm dễ làm như nấm sò, nấm bào ngư.

Đến nay, sau nhiều năm kinh nghiệm, gia đình ông mở rộng sản xuất và xây dựng trại nấm với quy mô gần 1.000 m2, duy trì đều đặn khoảng 60.000 bịch nấm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Với sản lượng mỗi ngày từ 30 - 70 kg, nấm bào ngư đã và đang là nguồn thu nhập chính của gia đình ông trong nhiều năm qua. Ngoài ra, mỗi năm trại nấm của gia đình ông còn cho thu được khoảng 70 - 80 kg nấm linh chi, với giá bán khoảng 800.000 đồng/kg.

Ông Đào Ngọc Toản (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) phơi nấm linh chi sau thu hoạch.

Ngoài nghề trồng và khai thác nấm, những năm qua, nghề xây dựng dân dụng đã và đang đem lại công việc ổn định và thu nhập tốt cho nhiều học viên trên địa bàn huyện. Nhờ được đào tạo nghề, anh Y Sao Mlô (buôn Tơ Lơ, xã Ea Na) từ một phụ hồ trở thành thợ chính, với mức thu nhập ổn định và cao hơn trước nhiều. Anh Y Sao chia sẻ, anh theo nghề xây dựng từ lâu, nhưng trước đó, anh chỉ làm các khâu đơn giản nên tiền công không cao. Năm 2013 khi biết thông tin có lớp đào tạo nghề được tổ chức tại địa phương, anh đã quyết định đăng ký tham gia học. Dù làm phụ hồ nhiều năm trước đó, nhưng khi học anh mới thấy nhiều kiến thức mình cần phải được đào tạo bài bản mới nắm bắt được. Chịu khó học hỏi và đến lớp đầy đủ, sau khi tốt nghiệp khóa học, anh được chủ thầu chuyển qua thợ chính, với thu nhập từ 300.000 - 350.000 đồng/ngày công lao động.

Anh Y Xiếp Byă (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) xây dựng công trình nhà nuôi yến cho một hộ dân tại địa phương.

Trong khi đó, anh Y Xiếp Byă (ở buôn Kruế, xã Ea Bông) dù đã trở thành thợ chính, nhưng do có nhu cầu nâng cao tay nghề nên anh đăng ký lớp học nghề xây dựng dân dụng do Trung tâm GDTX-GDNN huyện tổ chức trong năm nay. Anh Y Xiếp bộc bạch, trước đây anh từng có suy nghĩ rằng mình có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề rồi không cần phải học nghề nữa. Thế nhưng, khi tham gia đầy đủ các buổi học, anh mới biết được nhiều kiến thức bản thân cần phải học hỏi thêm. Chẳng hạn như cách tính liều lượng, phương pháp trộn vữa xây, bê tông, vữa trát trong từng công đoạn, hạng mục công trình. Trước đây, anh chủ yếu vẫn làm theo cảm tính là chính nên vật liệu chưa được trộn theo đúng tỷ lệ chuẩn. Bên cạnh đó, thông qua lớp học anh tiếp thu được kiến thức cơ bản về an toàn vệ sinh lao động – một yếu tố rất quan trọng nhưng từ trước đến nay hầu hết những thợ xây như anh chưa hề quan tâm và thực hiện.

Ông Nguyễn Viết Đồng, Phụ trách Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Ana cho biết, trung bình mỗi năm nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn huyện khoảng 400 người. Trong đó, tập trung vào các nhóm nghề như: xây dựng dân dụng; trồng và khai thác nấm; may công nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhân giống, trồng cây ăn quả… Căn cứ vào nhu cầu thực tế này, hằng năm Trung tâm đã chủ động xây dựng các mô hình nghề phù hợp để người lao động đăng ký học đúng nghề và bảo đảm có việc làm hoặc nâng cao tay nghề sau khi tốt nghiệp các khóa học. Qua đào tạo nghề đã giúp học viên nắm vững nguyên tắc cơ bản nhất của từng ngành nghề mà họ đăng ký nên hiệu quả công việc được nâng cao, có việc làm ổn định và mức thu nhập tăng lên đáng kể. Bên cạnh việc tạo nguồn lực lao động tại chỗ, qua công tác đào tạo nghề, hằng năm Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp, phối hợp với các trường THPT tổ chức dạy nghề phổ thông cho học sinh trên địa bàn…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.