Multimedia Đọc Báo in

Lãng phí nguồn lực đất đai: Nhìn từ Cụm công nghiệp Cư Kuin (Kỳ 2)

07:43, 30/11/2022

Kỳ 2: Cần “giải phóng” nguồn lực đất đai

Dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, thậm chí bị “treo” nhiều năm liền tại Cụm công nghiệp (CCN) Cư Kuin gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của địa phương. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành để nguồn lực đất đai được “giải phóng” và phát huy tối đa hiệu quả.

Khó tạo đột phá như kỳ vọng

CCN Cư Kuin có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư khi tiếp giáp TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Bông, Krông Ana, Krông Pắc, Lắk; sát Tỉnh lộ 10 và cách Quốc lộ 27 chỉ khoảng 5 km; các trục đường giao thông liên tuyến được quy hoạch bài bản, nhựa hóa tới cổng CCN; địa hình bằng phẳng; nguồn lao động phổ thông dồi dào.

Đến hiện tại, Cụm công nghiệp Cư Kuin mới có một số dự án bắt đầu đi vào hoạt động. 

Cùng với chính sách ưu đãi của Trung ương và tỉnh, những năm qua, huyện Cư Kuin đã có nhiều cơ chế thông thoáng để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nguồn lực đầu tư phát triển CCN đang là vấn đề gây băn khoăn nhiều nhất, bởi nguồn lực đầu tư hạn chế thì khó tạo được đột phá như kỳ vọng.

Ông N.V.Q. (thôn Lô 13, xã Dray Bhăng) chia sẻ: “Khi CCN Cư Kuin được thành lập người dân kỳ vọng các dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra các nguồn thu mới, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Thế nhưng hiện nay CCN vẫn còn “nhếch nhác”, con em địa phương phải đi các tỉnh thành phía Nam tìm kiếm việc làm, nhiều lao động hồi hương sau dịch COVID-19 mong chờ cơ hội làm việc tại quê nhà nhưng khó có thể thực hiện”.

Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN Cư Kuin trong thời gian qua còn dàn trải, chưa đồng bộ. CCN hiện vẫn chưa được đầu tư nhà điều hành và hạ tầng kỹ thuật như: cổng, tường rào, đường giao thông, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung nên việc quản lý đất còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các diện tích đất chưa đầu tư xây dựng nhà máy, diện tích đất chưa đầu tư hành lang đường giao thông. Hơn nữa, dù sở hữu vị trí đắc địa nhưng các trục đường chính tại CCN vẫn chỉ là đường đất, một số tuyến được các doanh nghiệp tự đóng góp kinh phí gia cố tạm bằng đá dăm để đi lại trong mùa mưa. Các phần đất bỏ trống chưa có tường rào nên người dân lân cận sử dụng để canh tác hoa màu, chăn thả gia súc.

Trước nhu cầu thực tế cùng kiến nghị, đề xuất của huyện Cư Kuin, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường giao thông trục D2 (đường trục chính) CCN Cư Kuin với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng và hệ thống xử lý nước thải CCN với mức đầu tư 20 tỷ đồng. Sự trợ lực này trước mắt sẽ khắc phục một số khó khăn về hạ tầng cơ sở tại CCN, nhưng về lâu dài vẫn cần những giải pháp mang tính dài hơi.

Kiên quyết thu hồi dự án chây ì

Trước thực trạng dự án tại CCN “vẽ ra để đó”, “án binh bất động”, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư Kuin đã chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra của huyện để phân tích thực trạng hoạt động của các dự án tại CCN, đánh giá hiệu quả so với mục tiêu đề ra và đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Một dự án tại CCN Cư Kuin chậm đưa đất vào sử dụng nên người dân tận dụng để canh tác hoa màu.
 

Huyện Cư Kuin cần có định hướng sử dụng quỹ đất thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, hoặc khu đô thị, công nghiệp chế biến… để phát huy được hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời có quy định, chế tài đủ mạnh để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, vi phạm pháp luật về đất đai ngay trong quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung

Huyện Cư Kuin đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê tại CCN Cư Kuin. Đối với một số doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, không theo tiến độ dự án được duyệt gây lãng phí nguồn lực đất đai, đề nghị tỉnh cương quyết thu hồi quyết định cho thuê đất hoặc điều chỉnh giảm diện tích đất cho thuê để chuyển cho doanh nghiệp có đủ năng lực thuê thực hiện đầu tư dự án đảm bảo hiệu quả.

Về lâu dài, huyện Cư Kuin cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quy hoạch thêm diện tích đất CCN trên địa bàn huyện để tăng cường kêu gọi đầu tư gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động tại chỗ. Đồng thời, đánh giá một cách toàn diện hiệu quả hoạt động tại CCN, cân nhắc đến việc huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác quản lý, điều hành hoạt động tại CCN trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn. Song song với đó, quan tâm bố trí kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng để CCN đi vào hoạt động ổn định.

Tại buổi làm việc với huyện Cư Kuin vào tháng 8 vừa qua, sau khi ghi nhận ý kiến, kiến nghị của huyện Cư Kuin về thực trạng hoạt động của CCN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đã giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh thành lập Đoàn công tác liên ngành với thành phần là các sở, ngành liên quan và địa phương kiểm tra, đánh giá hiệu quả cũng như việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp đã đăng ký và triển khai dự án trong CCN, báo cáo kết quả để Thường trực Tỉnh ủy xem xét chỉ đạo. Công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả trên tinh thần những doanh nghiệp gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, do cơ chế thì tạo điều kiện hỗ trợ, còn những doanh nghiệp không triển khai hoạt động hoặc khi hoạt động có nhiều vi phạm nghiêm trọng thì phải thu hồi.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.