Phục hồi du lịch Đắk Lắk: Cần tạo dựng các giá trị tinh tế hơn
Phục hồi du lịch đang là một trong những ưu tiên của các cấp lãnh đạo và quản lý tỉnh Đắk Lắk. Nhưng làm sao để việc phục hồi này thực sự an toàn và bền vững, khắc phục được những bất cập trước đây, phát huy tốt những cơ hội cho tương lai?
Theo ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, để giải đáp câu hỏi này, thật sự cần có một đúc kết tổng hợp từ nhiều hướng, cả cơ quan quản lý chuyên môn, các doanh nghiệp trong ngành và những đơn vị, tổ chức bên ngoài song có tương quan mật thiết đến tổ chức du lịch. Trong đó, vai trò chủ đạo thuộc về những đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch địa phương, trực tiếp va chạm và giải quyết những vấn đề sát sườn của du lịch Đắk Lắk giai đoạn phục hồi sau đại dịch và đứng trước những thách thức từ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tinh tế hơn trong khai thác du lịch
Lãnh đạo một công ty lữ hành ở khu vực Tây Nguyên nhìn nhận, lâu nay du lịch toàn vùng, hay riêng của từng địa phương như TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thường “rập khuôn” lẫn nhau theo trào lưu “du lịch đám đông”. Các hệ thống tour tuyến, hướng khai thác du khách ở từng điểm đến, của các tỉnh thành đều từng được xây dựng với những tiêu chí chung chung, liên kết đoàn, số lượng đông, chất lượng không được chú trọng. Những dạng tour nhiều điểm đến trong một ngày từng rất phát triển. Tất cả tạo nên một diện mạo bề thế nhưng xô bồ, “cốt đông không cốt tinh”, để du lịch các địa phương thể hiện ưu thế với các dòng, đoàn du khách đến hàng trăm người cùng lúc.
Du lịch Đắk Lắk cần tạo dựng các giá trị tinh tế hơn. Trong ảnh: Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Ko Tam. Ảnh: Hữu Hùng |
Song cho đến nay, sau đại dịch, và đi cùng những biến động kinh tế bởi khủng hoảng toàn cầu, chiến tranh và các thách thức khác, du lịch đang chuyển hướng và buộc phải thay đổi, hướng đến những tiêu chí chất lượng, độc đáo và tỉ mỉ, tinh tế hơn. Thay cho những đoàn, nhóm du khách đông, giờ đây các doanh nghiệp du lịch chỉ có thể mời đón những tốp du khách nhỏ, hoặc cặp du khách, đi lại có tính toán chi tiết hơn. Đồng thời, chất lượng các điểm đến, các tour, tuyến cũng phải được chấn chỉnh, do đối tượng du khách giờ đây cụ thể hơn, đa số là chính người dân địa phương hay những du khách đã ít nhiều nắm bắt thông tin về các sản phẩm du lịch đưa ra.
Phải “đào sâu” hơn vào các giá trị nguyên bản là tư vấn của các chuyên gia từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Tại những diễn đàn, hội thảo du lịch gần đây, câu hỏi được đưa ra đã thay đổi thành những đề nghị các địa phương hãy khai thác đúng hơn các giá trị điểm đến, những vấn đề bản sắc văn hóa địa phương… Những kiểu thông tin mơ hồ, chung chung về khai thác du lịch đã không còn phù hợp nữa.
Khai thác những giá trị văn hóa hấp dẫn
Ông Thái Hồng Hà chia sẻ, để xây dựng được các sản phẩm chất lượng, đi sâu vào khai thác những lợi thế tiềm năng bản địa để mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho du khách thì du lịch Đắk Lắk còn phải trăn trở nhiều. Nhưng thuận lợi là Đắk Lắk đã có sẵn những phân khúc, sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn với du khách. Đó là những nét văn hóa đặc trưng vùng đất cao nguyên, nền tảng sinh hoạt văn hóa, đời sống người dân Tây Nguyên, cộng hưởng với những điểm đến, khu vực trải nghiệm gắn liền vùng đất, địa hình, đặc tính khí hậu, như suối thác, rừng già… Nếu đi đúng theo những yếu tố đặc trưng này, du lịch Đắk Lắk sẽ mở ra được những ngách khai thác mới, độc đáo hơn và không trùng lắp với bất cứ địa phương nào khác. Điều này không chỉ cho phép Đắk Lắk tạo nên những sản phẩm đặc trưng hơn, mà còn tìm kiếm được những nguồn du khách tinh tế hơn, có nhu cầu thưởng thức văn hóa tốt hơn, đào sâu hơn những giá trị lâu đời của văn hóa bản địa.
Để làm được việc này, theo ông Hà, cần triển khai hai nội dung đặc thù đối với các sản phẩm du lịch ở Đắk Lắk. Thứ nhất là định vị rõ các tình tiết, tinh tế ở sản phẩm du lịch sẽ mang lại những giá trị trải nghiệm nào cho du khách và có tương thích với bối cảnh sinh hoạt xã hội của địa phương hay không. Thứ hai, là độ mở sáng tạo ở các sản phẩm được thể hiện như thế nào, làm sao huy động được nhiều giá trị văn hóa hội tụ trong một sản phẩm du lịch để tăng nguồn cảm hứng cho du khách.
Đơn cử về văn hóa cồng chiêng, lâu nay nhiều người nhìn nhận việc biểu diễn cồng chiêng mang tính chất nghệ thuật, âm nhạc, vũ điệu… Song, bản chất văn hóa và không gian văn hóa cồng chiêng chính là không gian sống của người dân, những thế hệ người đồng bào Tây Nguyên. Khi họ đánh một tiếng chiêng, diễn tấu một bài hát, là tiến hành một nghi thức tế lễ, tâm linh, gắn liền những sự kiện lễ cúng, dâng lên những lời cầu nguyện thần linh… Do đó, biến tấu hoạt động biểu diễn cồng chiêng cần hết sức chú ý đến nội dung, bối cảnh sinh hoạt phía sau, chứ không thể tùy tiện tiến hành. Những thông tin, thông điệp đi cùng hoạt động cồng chiêng như vậy sẽ chuẩn xác hơn và gợi lên những cảm xúc, tư duy cho du khách đầy tính khác biệt hơn.
Các sản phẩm du lịch Đắk Lắk khi được soi xét tiến hành, xây dựng, dưới lăng kính nội dung, hình thức như vậy, mới thực sự tinh tế hơn và phù hợp với xu hướng du lịch trải nghiệm văn hóa hơn, thật sự có được những giá trị bản sắc đậm đà, hấp dẫn hơn. Chỉ như vậy hoạt động du lịch Đắk Lắk mới thực sự thu hút, và đi đến phục hồi mạnh mẽ, với một tư thế mới, tư chất mới, bền vững và độc đáo hơn!
Nhạc Duy Hạ
Ý kiến bạn đọc