Tầm vóc đô thị gắn liền tầm nhìn quy hoạch
Phản ảnh dư luận gần đây cho thấy, quy hoạch ở các đô thị hiện đang có rất nhiều bất cập, hạn chế, khi các nhà quản lý và cư dân phải đối diện thường xuyên hơn với các sự cố như: ngập lụt cục bộ, thiếu nước sinh hoạt, mất tín hiệu viễn thông…
Đây là vấn đề mà các đô thị “đi trước” như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và mới đây là Đà Nẵng đang phải đối mặt. Bởi không quyết liệt thực thi những bước điều chỉnh, mở rộng tầm nhìn quy hoạch mà kết cuộc các đô thị này phải gánh chịu những hệ lụy khó lường hết được.
Những đô thị “đi sau” như TP. Buôn Ma Thuột theo đó, rất cần có định hướng điều chỉnh quy hoạch làm sao thể hiện được tầm nhìn chuẩn mực hơn, để nâng tầm vóc đô thị lên những tầm cao mới.
Bao quát nhưng phải nhìn xa!
Kiến trúc sư Hoàng Sừ (TP. Đà Nẵng) chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, khi Đà Nẵng sơ kết giai đoạn đầu tăng tốc chỉnh trang đô thị (2000 – 2010), đã có một số nhà tư vấn đặt vấn đề: liệu địa phương đã tính toán hết các bài toán phát triển hạ tầng đô thị tương xứng với tầm vóc một đô thị hiện đại tương lai? Lãnh đạo địa phương lúc đó đã tự tin khẳng định, với sự tư vấn của nhiều đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, toàn cảnh hạ tầng Đà Nẵng coi như đã được bao quát. Nhất là về hạ tầng, với dự án phát triển hạ tầng cơ sở ưu tiên được Ngân hàng Thế giới tài trợ và hỗ trợ, Đà Nẵng rất mạnh dạn đầu tư vào hệ thống thoát nước, cấp nước, xử lý điện, đầu tư công nghệ viễn thông thông minh, wifi miễn phí… đủ đáp ứng quy mô phát triển hàng chục năm tới. Địa phương sẽ mở rộng hạ tầng đô thị với những giải pháp nới rộng diện tích đất ở đô thị, giao thoa phát triển không gian đô thị một cách bền vững và hiện đại.
“Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ lại đề án phát triển hạ tầng, quy hoạch không gian đô thị, không chỉ của TP. Đà Nẵng, người ta sẽ nhận ra một nhược điểm lớn. Ấy là tầm nhìn xa về quy hoạch bị giới hạn. Bởi theo yêu cầu quản lý, tư duy nhiệm kỳ, các cơ quan quản lý quy hoạch không thể nới rộng tầm nhìn xa hơn 30 năm. Đề án quy hoạch đô thị lâu nay chỉ có một hạn mức quy hoạch nhất định, nằm trong phạm vi quản lý nhà nước cho phép, như quy hoạch vào năm 2020 chỉ tính toán thực thi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Hoàng Sừ nhận xét như vậy.
TP. Buôn Ma Thuột rất cần có tầm nhìn quy hoạch xa hơn khi phát triển các khu vực đô thị. |
Rõ ràng với một đô thị, phương án quy hoạch phát triển, không thể chỉ giới hạn trong vài chục năm ngắn ngủi. Có thể nói, “số phận” một đô thị thường phải đề cập đến 50 năm, 100 năm và còn xa hơn nữa. Cho nên, nếu bối cảnh quy hoạch chỉ giới hạn dưới 30 năm, đô thị không thể có được tầm nhìn chiến lược xa hơn, không thể trù liệu và chuẩn bị tốt cho những kịch bản phát triển dài hơi hơn.
Từ góc cạnh này, có thể nói, bức tranh quy hoạch của các đô thị phát triển gần đây, cho dù đã tính toán bao quát nhiều vấn đề hơn, vẫn sẽ không lường hết các vấn đề nguy cơ, khi thực tế đi vào triển khai và giám sát phát triển.
Cần được điều chỉnh tầm nhìn
Sự cố Đà Nẵng ngập sâu trong nước lụt cục bộ ngày 14/10/2022 do hệ thống xử lý nước thải kém hiệu quả, cùng những lý do khác liên quan đến công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng hạ tầng… đã cho thấy sự hạn hẹp về tầm nhìn quy hoạch được áp dụng 20 năm trước. Hình ảnh những khu vực tại Hà Nội bị ngập sâu khi có mưa lớn, TP. Hồ Chí Minh nhiều mảng giao thông nội thị tê liệt khi có mưa cộng hưởng triều cường, TP. Huế bị chia cắt khi lụt dâng cao, Đà Lạt bế tắc khi hệ thống thoát nước không đáp ứng nổi lượng mưa lớn… đã cho thấy những hạn chế cần suy tính lại về quy hoạch đô thị bền vững.
Muốn giải bài toán này, dĩ nhiên các địa phương cần có sự can thiệp, đề xuất từ các nhà khoa học, các tổ chức, viện nghiên cứu quy hoạch đô thị. Bài toán quy hoạch có tầm nhìn xa hơn, đến cả trăm năm, là khó giải, nhưng có thể làm được khi các tổ chức khoa học tham gia vào, nhất là tham gia với quyền hạn nghiên cứu mở rộng, dài hơi hơn so với biên độ trách nhiệm của các cấp quản lý. Nghĩa là, các bản đồ quy hoạch, cần thiết phải được mở rộng tầm nhìn, đòi hỏi các nhà khoa học phải ý thức mạnh mẽ hơn, tiên liệu được xa hơn. Sau đó, gắn với tinh thần quyết liệt thực thi theo từng phân đoạn của các nhà quản lý, các thế hệ lãnh đạo chính quyền, bức tranh quy hoạch một đô thị mới có thể đạt được giá trị đầu tư phát triển vững chắc.
Có thể nói, từ cơ sở này sẽ giải thích được vì sao lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đang hết sức vận động người dân, các tổ chức khoa học có ý kiến về toàn cảnh quy hoạch địa phương, tập trung ở các đô thị lớn như Buôn Ma Thuột. Hướng tư duy này đang cho phép đô thị Buôn Ma Thuột được mở ra tầm nhìn mới, xa hơn về quy hoạch tương lai. Mà điều này, nhất định phải có các cứ liệu khoa học, càng chính xác càng tốt, về diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột về sau. Không nên chỉ giới hạn quy hoạch đô thị cao nguyên này, theo các văn bản, quyết định của cấp quản lý. Rất cần có những nhà khoa học, các tập thể tư vấn có năng lực, mạnh dạn đề xuất những phương án, chiến lược không gian đô thị cho Buôn Ma Thuột từ sau năm 2045, thậm chí tầm nhìn đến năm 2100…
“Nếu chúng ta không tính xa, chúng ta sẽ chỉ bước ngắn, và sẽ tổn thất nghiêm trọng khi phải liên tục thay mới những phép tính đầu tư vào hạ tầng đô thị, giải những bài toán ngắn hạn và bị sự cố. Đáng sợ nhất là bị sự cố liên tục, thực tiễn đang diễn ra ở những đô thị đi trước như Hà Nội, Đà Nẵng… Đã đến lúc, câu chuyện quy hoạch không còn nằm ở một phạm vi giới hạn nào nữa, thì chúng ta mới có được những đô thị tầm cỡ hơn, và tươi sáng hơn”, kiến trúc sư Hoàng Sừ nhấn mạnh.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc