Multimedia Đọc Báo in

Đô thị nông nghiệp và cơ hội cho thương hiệu địa phương

06:11, 11/12/2022

Trong phân khúc đầu tư đô thị, những căn nhà phố liền kề (shophouse) luôn được xem là điểm nhấn đầu tư quan trọng, giá trị, bởi đây chính là phần hạng mục chính, có giá trị thương mại, xác lập cơ hội kinh doanh cho cư dân, nhất là những chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với các khu đô thị mới ở TP. Buôn Ma Thuột, vấn đề này lại càng đáng chú ý.

Định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk cho thấy, thế mạnh nông nghiệp với các mặt hàng nông sản giá trị cao vẫn sẽ là mục tiêu đầu tư dài lâu. Với lợi thế nông nghiệp, nhất là có các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và ưu thế cạnh tranh trên thị trường, hướng sản xuất, phát triển các thương hiệu hàng hóa bản địa chính là cách duy trì ổn định kinh tế Tây Nguyên.

Nông nghiệp đô thị hay đô thị nông nghiệp?

Nhìn vào thực trạng phát triển kinh tế Đắk Lắk nhiều năm qua, nhất là ở đô thị Buôn Ma Thuột, ai cũng phải thừa nhận thế mạnh nông nghiệp đã bám sâu vào tập quán, tư duy làm ăn của người dân. Trong xu thế tổ chức đô thị lớn hiện nay, câu chuyện phát triển nông nghiệp đô thị, để bảo đảm cho cư dân chủ động nhu cầu thực phẩm tối giản đang được đề cao thì TP. Buôn Ma Thuột nên là một đô thị nông nghiệp hay chỉ cần đầu tư nông nghiệp đô thị?

Một góc khu đô thị Eco City (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Khái niệm nông nghiệp đô thị, thật ra đã phổ biến ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Mô hình quen thuộc của hướng đầu tư này là cư dân ở các cao ốc, nhà phố dành không gian trồng các loại rau xanh, cây cảnh… Sân thượng, chiếu nghỉ cầu thang, lối thoát hiểm… đều dễ dàng bố trí các chậu đất trồng trọt. Rất nhiều gia đình ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thậm chí quen canh tác thời vụ thế này, giúp bảo đảm thực phẩm xanh trong gia đình. Sau những biến động như dịch bệnh COVID-19, vấn đề tự cấp tự túc rau xanh, thực phẩm dinh dưỡng tại nhà được nhiều người quan tâm, xu hướng vận động nông nghiệp đô thị lại càng có thêm nhiều cơ hội lan tỏa.

Tuy nhiên, với một đô thị được bao quanh là vành đai xanh rừng núi, các huyện thị lân cận đều là vùng nông nghiệp chuyên canh chất lượng cao, TP. Buôn Ma Thuột không nên đơn giản chỉ nghĩ đến nông nghiệp đô thị. Đây thực chất chỉ là một mảng nhỏ của người dân thành phố, để phát triển tiện ích sinh hoạt, như trồng vài chậu hoa, có vài thùng xốp trồng rau mầm, cây gia vị… Vấn đề chính của kinh tế Buôn Ma Thuột là nên tận dụng lợi thế ở giữa một vùng nông nghiệp cao nguyên để thiết chế một đô thị nông nghiệp, gắn liền nông sản.

Một góc Dự án thành phố cà phê ở TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Cần định hình đô thị nông nghiệp!

Hoạch định đầu tư các khu đô thị mới ở TP. Buôn Ma Thuột cho thấy, địa phương yêu cầu các dự án phải có đủ các hạng mục hạ tầng đô thị, gồm nhà phố liền kề, nhà ở chung cư (xã hội) và đất nền để người dân tự xây dựng nhà ở. Tỷ lệ bố trí các hạng mục này căn cứ vào diện tích, mật độ xây dựng và điều kiện cho phép ở các dự án về diện tích sàn nhà ở đô thị… Trong đó, việc xây dựng, quy hoạch nhà phố liền kề vừa đảm bảo quy hoạch chung vừa phải đạt các tiêu chí hạ tầng thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện sinh kế cư dân. Khi Buôn Ma Thuột hướng đến kinh tế nông nghiệp, phải chăng các đô thị cần mời gọi những chủ đầu tư, sở hữu nhà ở có hoạt động kinh tế, đầu tư thích hợp?

Đây là lý do để các dự án đô thị mới tại TP. Buôn Ma Thuột có thiên hướng đặt tên, định dạng đầu tư theo những đặc điểm, sản vật… ưu thế bản địa hóa. Các khu đô thị hiện tại đều xây dựng những biểu trưng như nhà sàn, văn hóa cồng chiêng, động vật hoang dã cần bảo vệ (voi, hổ, gấu…) hay nông sản đặc thù (cà phê, ca cao…). Việc này sẽ giúp các đô thị thu hút các nhà đầu tư cùng điều kiện sinh hoạt, kinh doanh, tạo những quần thể thị dân hoạt động tương cận nhau. Ví dụ những đô thị mang hình ảnh hạt cà phê, quả sầu riêng… với tiêu chí mời gọi các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, sầu riêng cùng tham gia khai thác hạ tầng thương mại hiệu quả, chung tay tôn vinh những giá trị văn hóa - xã hội gắn với hình ảnh đại diện, sẽ đạt hiệu quả thu hút cư dân rất tốt.

Khẩn trương hoàn thiện nhà phố liền kề thương mại tại khu đô thị Ân Phú (Buôn Ma Thuột).

Ngược lại, khi các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh chọn những mặt bằng nhà phố liền kề ở khu đô thị để xây dựng cơ hội kinh doanh và nhận diện thương hiệu, lợi thế định vị sẽ rất mạnh mẽ. Bởi một địa chỉ giao dịch trong khu đô thị, thay vì thể hiện ở thôn, buôn xa xôi nào đó, sẽ khiến các đối tác làm ăn tin tưởng hơn. Bởi Buôn Ma Thuột là đô thị hạt nhân, xung quanh là các vùng trồng nông sản chất lượng, nên khi đặt các văn phòng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong khu đô thị, tổ chức kết nối với các kho hàng bên ngoài, những vùng nguyên liệu có sẵn, rõ ràng việc kinh doanh, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa của các doanh nghiệp sẽ rất thuận lợi.

Hơn nữa, khi các doanh nghiệp cùng hiện diện trong một khu đô thị có chủ đề phù hợp sản phẩm kinh doanh, thương hiệu của họ, sẽ càng tăng thêm tính chất hợp quần, cơ hội hợp tác với nhau để cộng hưởng, tổ chức những đơn hàng lớn, hướng đầu tư mạnh mẽ và lan tỏa hơn. Hạ tầng thương mại đô thị theo đó, sẽ thật sự phát huy tác dụng với quần thể cư dân trong khu đô thị, tạo ra những giá trị phát triển mới cho chính khu vực có dự án đô thị.

Trong phác thảo kinh tế Đắk Lắk, các ngành công thương, đầu tư đều đề cao cơ hội thu hút các nhà đầu tư với các mặt bằng thương mại đô thị, như chợ đầu mối, sàn giao dịch, siêu thị tổng hợp… Phần lớn diện tích này, lại gắn với hạ tầng thương mại các khu đô thị mới. Do đó, tạo điều kiện để các khu đô thị khai thác tốt hạ tầng thương mại, tôn vinh thương hiệu các chủ doanh nghiệp bản địa sở hữu nhà ở bên trong, chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để các nhà quản lý gián tiếp nâng tầm cơ hội cho đô thị Buôn Ma Thuột!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.