Multimedia Đọc Báo in

Làm son môi từ hạt điều màu

07:59, 02/12/2022

Với mong muốn mang đến người tiêu dùng những sản phẩm làm đẹp chất lượng, an toàn từ thiên nhiên, anh Lê Quang Vịnh (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) đã sản xuất thành công son môi từ hạt điều màu tươi (hạt cà ri).

Trước đây, với 17 ha đất trồng cây điều màu tại huyện Ea Súp, anh Vịnh chủ yếu phơi khô quả rồi bán thô cho các thương lái. Đến mùa thu hoạch, anh thường thuê nhân công cắt quả, thấy một số chị em lấy hạt màu tươi bôi lên môi có màu đỏ cam rất đẹp. Ngoài ra, khi cho quả vào máy xay để tách lấy hạt, bụi màu thường bay lên mặt và khi rửa mặt thì thấy da căng bóng khiến anh tò mò muốn biết rõ hơn về loại hạt này.

Tìm đọc trên Internet, anh được biết hạt điều màu là nguồn cung cấp chính cho một loại chất màu tự nhiên gọi là annatto, có màu đỏ (bixin) và màu vàng (norbixin) dùng trong thực phẩm. Ở một số nước trên thế giới như Ấn Độ, Brazil, Argentina… còn dùng hạt điều màu để làm son môi, nhưng họ không chiết tách chất bixin và norbixin nên màu sẽ không đẹp và khi rửa thì vẫn còn để lại màu vàng trên da. Điều này đã thôi thúc anh nung nấu ý tưởng tìm cách chiết tách chất bixin từ hạt điều màu để làm son.

Anh Lê Quang Vịnh nghiên cứu chiết tách chất bixin có trong hạt điều màu tươi để làm son.

Từ năm 2020, anh Vịnh bắt tay vào nghiên cứu và nhận thấy rằng, tại vùng nguyên liệu của gia đình có 6 giống cây điều màu khác nhau, trong đó có 3 loại chứa nhiều hoạt chất bixin, khi làm son sẽ cho màu tự nhiên rất đẹp là đỏ hồng, đỏ tươi và đỏ nhung. Sau hai năm tìm hiểu các tài liệu trong và ngoài nước, cũng như tham khảo ý kiến của một số giảng viên chuyên ngành Hóa mỹ phẩm của Trường Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, anh Vịnh đã nắm bắt được kỹ thuật chiết tách chất bixin từ hạt điều màu bằng nước cất và etanol. Ngoài ra, để phục vụ cho việc làm son, anh Vịnh còn chế tạo ra máy tách hạt tươi với công suất 2,5 tấn/ngày, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công.

“Chất màu đỏ có trong hạt điều màu là nguồn chống ôxy hóa tự nhiên nên “tuổi thọ” của son này sẽ cao hơn, ngoài ra son cũng không sử dụng chất bảo quản hay chứa chì. Đặc biệt, tùy vào độ PH và nhiệt độ cơ thể mà sẽ cho ra màu sắc khác nhau, do đó khi sử dụng loại son này bạn sẽ có sắc son cho riêng mình” - anh Lê Quang Vịnh cho biết.

Theo đó, hạt điều tươi thu hái về sẽ bỏ vào máy xay để tách hạt rồi cho vào máy khuấy đảo để thu dung dịch chiết từ hạt điều màu, cuối cùng là sử dụng công nghệ sấy phun phơi khô dung dịch thành bột. Anh Vịnh tính toán, một tấn hạt điều màu tươi chiết tách được 25 kg chất bixin. Từ đó, nếu áp dụng theo công thức sẽ sản xuất được 10.000 cây son. Với giá bán 250.000 đồng/thỏi son, sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi khoảng 70 nghìn đồng/thỏi, cao hơn gấp nhiều lần so với bán hạt điều khô.

Do chưa có vốn đầu tư xưởng sản xuất, bột điều màu dùng làm son được anh chuyển xuống đơn vị gia công tại TP. Hồ Chí Minh để cho ra thành phẩm. Những thỏi son đầu tiên ra lò, anh gửi tặng người thân, bạn bè dùng thử. Qua sử dụng thấy son lên màu đẹp, bền màu, mềm môi nên sản phẩm của anh nhận được phản hồi tích cực từ người dùng. Từ thành công bước đầu, anh tiếp tục nghiên cứu và hướng tới thương mại ba dòng sản phẩm son lì, son kem, son dưỡng. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và mở rộng quy mô, anh đã đặt mua một số máy móc như máy khuấy đảo, máy lọc tinh micron, máy thu hồi dung môi, máy sấy phun bảng điện tử… phục vụ cho việc sản xuất son theo quy trình khép kín, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Anh Lê Quang Vịnh giới thiệu những thỏi son được làm từ hạt điều màu tươi.

Cuối năm nay, anh Vịnh sẽ cho sản xuất son đại trà để phục vụ nhu cầu làm đẹp của khách hàng trong dịp Tết. Đối tượng khách hàng mà anh hướng đến là phụ nữ trong độ tuổi từ 25 - 55 tuổi, là những người đã có thu nhập ổn định, bắt đầu quan tâm đến sức khỏe và khách hàng các tỉnh phía Bắc, nơi thường có mùa lạnh kéo dài. Anh Vịnh bày tỏ dự định, với tổng sản lượng 50 tấn hạt điều màu tươi/năm, bên cạnh việc sử dụng để làm son thì anh sẽ tiến tới sản xuất bột điều màu cung cấp trực tiếp cho các đơn vị chế biến thực phẩm để giảm được khâu bán hàng qua trung gian, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.