Phát triển xu thế thanh toán không dùng tiền mặt
Thời gian gần đây, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế phát triển mạnh mẽ từ hệ thống ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng dịch vụ. Xu thế này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội cũng như người dân, doanh nghiệp.
Công ty Điện lực Đắk Lắk hiện đang quản lý, bán điện trực tiếp đến gần 590.000 khách hàng. Hiện nay, để thanh toán tiền điện, khách hàng không cần đến Điện lực hay các điểm thu cố định như trước đây mà có thể thanh toán bằng nhiều hình thức, như: thanh toán qua ngân hàng bằng trích nợ tự động từ tài khoản, dùng Internet banking, Mobile banking, chuyển khoản vào tài khoản của điện lực; thanh toán tại cửa hàng của Bách hóa xanh, Thế giới di động, Viettel, VNPT…; nộp tiền tại các điểm bưu điện văn hóa xã, huyện; qua các ứng dụng chăm sóc khách hàng của ngành điện, Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc sử dụng sử dụng các ví ViettelPay, ZaloPay, MoMo, Payoo, VNPay, VNPTPay, Vimo, ShopeePay…
Đối với các huyện, việc thu tiền điện được giao cho bưu điện và các tổ chức trung gian thu hộ khác trên địa bàn; điện lực bố trí nhân viên đến từng điểm thu cố định hỗ trợ các tổ chức thu hộ, hướng dẫn cho khách hàng cài đặt App (ứng dụng) chăm sóc khách hàng, Zalo để thuận tiện tra cứu và theo dõi tiền điện. Đến nay, tỷ lệ hóa đơn tiền điện thanh toán qua ngân hàng/tổ chức trung gian thanh toán của công ty đạt 95,12%, tỷ lệ hóa đơn thanh toán không dùng tiền mặt đạt 92%.
Trang thương mại điện tử của chị Nguyễn Anh Đức, xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar). |
Từ ngày 1/6/2022, Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk cũng triển khai thực hiện không thu tiền sử dụng nước tại nhà khách hàng và triển khai hình thức thanh toán qua các dịch vụ như: Ngân hàng, ví điện tử và các điểm thu hộ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Mạng lưới hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh hiện có 49 đơn vị với 224 điểm giao dịch, 289 máy ATM, với hơn 1 triệu thẻ được phát hành, số lượng máy chấp nhận thẻ (POS/EDC) đạt 2.825 máy/2.427 đơn vị chấp nhận thẻ. |
Theo đó, hằng tháng, sau khi khách hàng nhận được thông báo tiền nước qua tin nhắn SMS sẽ thực hiện thanh toán qua các dịch vụ của công ty đã triển khai. Hiện, số lượng khách hàng không thu tiền sử dụng nước tại nhà đạt 61.856 khách hàng, chiếm tỷ lệ 75,2%. Đối với các khu vực vùng ven thành phố như một phần phường Khánh Xuân, các xã Hòa Khánh, Hòa Phú, Hòa Xuân, Ea Kao, một phần xã Cư Êbur và xã Cư Suê (huyện Cư M’gar), người dân chưa có tài khoản ngân hàng, chưa tiếp cận với các hình thức thanh toán qua các ví điện tử, chưa có điểm thu hộ, công ty sẽ tìm các giải pháp thu hộ phù hợp, tiến tới 100% lượng khách hàng không thu tiền tại nhà trong năm 2023.
Thanh toán không dùng tiền mặt có lợi ích là giảm chi phí cho xã hội liên quan đến tiền mặt; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế. Xu thế này sẽ từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu, mua sắm và kinh doanh. Qua đó, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số trong tương lai.
Hỗ trợ khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử tại Phòng giao dịch Nam A Bank Krông Pắc. |
Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh kinh tế số, UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán tích cực nghiên cứu, đầu tư kết cấu nguồn lực tài chính vào phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tối ưu, tích hợp kết nối các dịch vụ khác, như: viễn thông, y tế, bệnh viện, trường học, điện lực, nước sạch, thuế, hải quan, bảo hiểm và các dịch vụ công khác. Về phía ngân hàng, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thanh toán, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật; nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán, hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng; phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công…
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc