Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

09:29, 19/01/2023

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (DN), người dân trên địa bàn tỉnh không chỉ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả mà còn tích cực sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, góp phần lan tỏa phong trào...

Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng tiêu dùng của nhiều người dân Đắk Lắk. Việc làm này nhằm hướng đến giảm xả lượng khí thải ra môi trường, giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Buôn Ma Thuột) có 42 lớp học, với 1.730 học sinh. Thầy Nguyễn Đình Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cuối năm 2018, trường đầu tư, đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng chi phí gần 800 triệu đồng, công suất 32 kWp. Với hệ thống này giúp nhà trường chủ động hơn trong sử dụng điện, giảm chi phí tiền điện. Theo tính toán, bình quân mỗi năm, nhà trường tiết kiệm được hơn 50 triệu đồng tiền điện.

Tại xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) phong trào thực hiện tiết kiệm điện được các hộ dân tích cực hưởng ứng. Nhiều hộ còn chủ động trang bị hệ thống năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Gia đình anh Đỗ Hồng Tới (thôn Tiến Đạt) là một trong những hộ sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời sớm nhất để thay thế bình nóng lạnh sử dụng điện. Theo anh Tới, từ khi sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, chi phí tiền điện giảm 35%. Chưa hết, anh còn chủ động thay thế các thiết bị tiết kiệm năng lượng... nhờ đó điện năng tiêu thụ hằng tháng giảm rõ rệt.

Tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho đoàn viên, thanh niên của tỉnh năm 2022.

Nguồn năng lượng nói chung và nguồn điện nói riêng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của người dân, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế bền vững. Năm 2022, toàn tỉnh tiết kiệm được hơn 39,5 triệu kWh, chiếm tỷ lệ 2,06% điện thương phẩm, đạt trên 103% kế hoạch.

Ông Lưu Văn Khang, Phó Trưởng Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết, qua công tác phổ biến, tuyên truyền, nhiều DN, người dân ý thức tốt, tiên phong, chủ động đầu tư sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Việc này không chỉ thể hiện trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường mà còn góp phần thực hiện nếp sống văn minh, hiện đại.

Thời gian tới, Sở Công Thương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và DN; phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, mạnh dạn thay thế, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế cho DN...

Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.