Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp tiên phong trên nền tảng số

05:21, 24/01/2023

Năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Trong đó, chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, là kim chỉ nam và công cụ cần thiết giúp nhiều DN gặt hái “quả ngọt”. Tuy nhiên, DN muốn thành công cần phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, kinh doanh (SXKD) chứ không chỉ đơn thuần là mua những nền tảng công nghệ về ứng dụng.

Tăng lợi nhuận nhờ số hóa

Xác định tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào SXKD, từ năm 2020 Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái (TP. Buôn Ma Thuột) từng bước hoàn thiện, phát huy hiệu quả chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Sau 2 năm thực hiện số hóa trong hoạt động SXKD, doanh thu của Tập đoàn nói chung, Công ty nói riêng đã tăng trưởng từ 150 - 200% (tùy từng bộ phận), nhưng nhân sự thì không hề tăng”. Hiện nay, DN đang thực hiện số hóa trên hai nền tảng số cơ bản là đại chúng và thương mại điện tử. Nhờ việc sử dụng hợp lý các nền tảng số đã tiết kiệm được rất nhiều loại chi phí, thời gian, tối ưu hóa lợi nhuận.

Nhân viên Công ty Cổ phần Cà phê An Thái quảng bá sản phẩm.
 

“Nhờ áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động SXKD đã và đang giúp nhiều DN cắt giảm chi phí, khắc phục tình trạnh thiếu hoặc khan hiếm nhân sự như hiện nay; làm thay đổi phương thức làm việc, sản xuất và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn…”.

 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Xuân Lợi

Tập đoàn An Thái có 5 công ty thành viên và 5 nhà máy sản xuất tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ từ phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, hoạt động ở các lĩnh vực, gồm: chế biến các sản phẩm từ cà phê; chế biến các sản phẩm từ trái cây (sầu riêng, bơ, mít, chanh dây, xoài…) bằng công nghệ sấy chân không, sấy lạnh, sấy thăng hoa, với hai dòng thương hiệu là An Phú Organic và NanuFood; các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh mang thương hiệu ANMIX với nguyên liệu chế biến được tận dụng từ các nguồn phế phẩm, bã cà phê, vỏ trái cây của các nhà máy.

Mỗi bộ phận trong DN được xây dựng một ứng dụng phù hợp, tương thích với những nền tảng số mà bộ phận đó tiếp cận. Điều đó vừa bảo đảm độ bảo mật cao cho công ty (không ảnh hưởng đến các bộ phận khác); dễ dàng sử dụng, phù hợp chuyên môn, vừa phát huy tối đa hiệu quả. Hiện nay, Tập đoàn đã có 40 đối tác trên thế giới, tăng 10 đối tác so với trước khi thực hiện số hóa.

Tiên phong đưa công nghệ vào sản xuất

Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (thôn 6, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những DN đi đầu trong việc đưa cơ giới vào sản xuất, từng bước khép kín các khâu trong sản xuất bằng máy thay thế lao động thủ công.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng thực hiện phối trộn nguyên liệu bằng máy chuyên dụng

Theo anh Đoàn Xuân Trường, Giám đốc công ty, năm 2020, khi bắt đầu triển khai mô hình trồng nấm công nghệ cao, đơn vị đầu tư xây dựng nhà xưởng trồng nấm với quy mô 6.000 m2, kết hợp lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời gác mái nhằm chủ động nguồn điện phục vụ SXKD.

Dưới mái năng lượng mặt trời, công ty trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu. Mỗi loại nấm đều được sản xuất trong nhà xưởng riêng với thông số nhiệt độ nhất định để phát triển. Việc đưa công nghệ vào sản xuất, vận hành bảo đảm năng suất, chất lượng liên tục và đồng đều từ khâu trộn phối nguyên liệu, đóng bịch, hấp, tiệt trùng…, tất cả đều được tự động hóa, nhờ vậy cây nấm sinh trưởng tốt.

Công ty đã đầu tư hệ thống tưới tự động, áp dụng bộ cảm biến kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu môi trường liên quan, cảnh báo các chỉ số về yếu tố tự nhiên và kết nối qua “app” trên điện thoại thông minh, từ đó có thể điều chỉnh chế độ tưới kết hợp bổ sung dinh dưỡng kịp thời theo nhu cầu của cây. Với quy trình trồng nấm khép kín theo hướng tuần hoàn, công ty còn tận dụng phế phẩm từ mô hình trồng nấm tạo thành nguồn phân hữu cơ chăm bón vườn cây ăn trái.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, vận hành nên mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời của công ty mang lại hiệu quả cao, mỗi năm cho ra thị trường hàng chục tấn nấm thành phẩm các loại. Doanh thu của Công ty đạt 5-7 tỷ đồng/năm, trong đó riêng nấm đạt 3 - 4 tỷ đồng.

Xu thế tất yếu 

Toàn tỉnh có trên 10.000 DN đang hoạt động, chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, 100% DN đã đăng ký kê khai, nộp thuế điện tử. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ngày càng có nhiều DN thực hiện chuyển đổi số và coi trọng giá trị dữ liệu DN. Khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong DN được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, các vấn đề phát sinh đều được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch. Chuyển đổi số còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh với DN khác nhờ việc tối ưu hóa quản trị, chi phí, lợi nhuận, tương tác nhanh chóng với khách hàng. 

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại Ê đê bán hàng trên sàn thương mại điện tử .

Cùng với định hướng chung của Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong DN; tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN thực hiện chuyển đổi số. Ngày 29/11/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3330/KH-UBND về “Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu kế hoạch đặt ra đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 60% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; doanh số thương mại điện tử tăng 10%/năm.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, ngành công thương đã kết nối, tổ chức cho DN tham gia các buổi hội thảo, tập huấn trực tuyến về chuyển đổi số, chiến lược bao bì cho thị trường xuất khẩu, chắp cánh thương hiệu, xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ DN xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp…

Việc điều khiển rang xay cà phê bằng phần mềm công nghệ giúp doanh nghiệp đồng nhất được hương vị sản phẩm.

Từ sự chủ động của DN và hỗ trợ của chính quyền các cấp, tin rằng, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho DN phát triển nhanh, bền vững. Trước mắt, việc tham gia các sàn thương mại điện tử sẽ giúp nhãn hiệu của DN được lan tỏa nhanh hơn và khi DN đã có niềm tin của khách hàng đến trước thì dễ dàng chinh phục nhiều khách hàng đến sau.

Hùng Nhung Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.