Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Nâng tầm hợp tác đa chiều

07:27, 08/02/2023

Buổi họp báo công bố giới thiệu Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua được coi là “phát pháo mở màn” cho một sự kiện đã thành quen thuộc tổ chức hai năm một lần trên vùng đất cao nguyên.

Song với lần tổ chức này, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Đắk Lắk đặt ra kế hoạch quy mô hơn. Đó là xúc tiến, mở rộng cơ hội kết nối giao thương, hợp tác đa chiều, đa dạng hóa cho hạt cà phê Đắk Lắk!

Đề dẫn họp báo của địa phương cho thấy, Đắk Lắk với lợi thế nguồn lực nông nghiệp đặc thù, sản lượng cà phê mỗi năm chiếm 30% cả nước, xuất khẩu đi hàng trăm lãnh thổ vùng và quốc gia thực sự là nông sản giá trị cao đem lại hiệu quả kinh tế. Bởi xu hướng kinh tế hội nhập ngày càng mạnh mẽ, Đắk Lắk cần khai thác ngày càng hiệu quả hơn sản phẩm nông nghiệp chủ lực này.

Ký kết hợp tác hoạt động giữa tổ khuyến nông cộng đồng, doanh nghiệp và hợp tác xã tại Diễn đàn "Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên". Ảnh: Thuận Nguyễn

Tháng ba, trẩy hội cà phê…

Những chuẩn bị của địa phương trong kế hoạch tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 cho thấy một tinh thần đầu tư nghiêm túc, với kế hoạch xúc tiến phải hiệu quả hơn, về cơ hội kết nối thương mại cà phê, hướng đến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa thật chất lượng, đang được chính quyền tỉnh Đắk Lắk và cộng đồng các doanh nghiệp địa phương quan tâm.

18 hoạt động chính của lễ hội đều xoay quanh mục tiêu quảng bá, tạo điều kiện thưởng ngoạn, nắm bắt rõ hơn cho du khách và các nhà đầu tư về các chủng loại, tiêu chí sản phẩm cà phê địa phương.

Trong đó, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế, tạo nhịp cầu kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp cà phê và các sản phẩm nông sản, với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu được xem là điểm nhấn nổi bật.

Sự kiện cũng được Đắk Lắk định vị là chương trình mở đầu cho hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của địa phương năm 2023. Những tổ chức, doanh nghiệp được mời tham dự đều định vị rõ năng lực và điều kiện hợp tác, kết nối và chia sẻ tốt nhất các cơ hội mà hạt cà phê Đắk Lắk sẽ mang lại, không chỉ là giá trị lợi nhuận mà còn là điều kiện tăng tầm vóc thương hiệu kinh doanh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng là dịp để du khách tìm hiểu về cách trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối cà phê. (Trong ảnh: Thu hoạch cà phê tại huyện Krông Năng). Ảnh: Hoàng Gia

Do đó, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 được chỉ đạo mở rộng phạm vi toàn tỉnh, với sự góp sức của tất cả các huyện thành, mà chương trình cộng đồng tiêu biểu là thử nghiệm cà phê Đắk Lắk miễn phí ở hầu hết các nơi.

Đây cũng là dịp để các tổ chức canh tác cà phê địa phương và người dân tiếp xúc với những du khách gần xa, tự động hình thành những cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về quy trình canh tác và chế biến cà phê.

Đã có những ý tưởng xây dựng từng tour trải nghiệm thực tế được các đơn vị văn hóa và du lịch địa phương đặt ra, bên cạnh những hoạt động quy mô ở lễ hội, hứa hẹn mang lại những thưởng thức đặc sắc cho mọi người khi đến với sự kiện hoành tráng này.

Nâng tầm cơ hội hợp tác

Điều quan trọng, được lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk biểu đạt, là qua lễ hội, lần đầu tiên câu chuyện kết nối, hợp tác thương mại cà phê được địa phương trình bày một cách “có hệ thống”. Điều này gắn kết tầm nhìn xây dựng chiến lược logistics nông sản Đắk Lắk mà địa phương đã định vị những năm qua.

Lễ hội cà phê sẽ không chỉ dừng lại ở khâu quảng bá bán hàng, giới thiệu thương hiệu nhãn hàng các sản phẩm cà phê, mà còn mở ra những nắm bắt, hiểu biết cho người quan tâm về cả quy trình trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chế biến và phân phối hạt cà phê ở Đắk Lắk – Tây Nguyên.

Đây sẽ là một sự khác biệt rất lớn so với các kỳ lễ hội trước, khi hoạt động chỉ mới giới hạn ở phạm vi thành phố trung tâm.

Những trang trại, thương hiệu, nhãn hàng cà phê cơ sở tại các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ cùng tụ hội để quảng bá, thực sự chứng tỏ Buôn Ma Thuột là thủ phủ hợp tác phát triển và thương mại hóa thành công sản phẩm cà phê cao nguyên và hướng đến tầm vóc quốc gia, thế giới.

Quy trình canh tác cà phê từ cung cấp giống đến thu hoạch đang được ngành nông nghiệp Đắk Lắk thúc đẩy (Trong ảnh: Cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành ươm giống cà phê chè nuôi cấy mô). Ảnh: Hoàng Gia

Riêng tại hội nghị kết nối, kế hoạch của địa phương đưa ra yêu cầu đối thoại rõ ràng hơn giữa các bên hợp tác, làm sao gắn kết thực tế và bền vững cơ hội xuất khẩu, bán hàng cho cà phê Đắk Lắk lan tỏa rộng hơn.

Sở Công Thương Đắk Lắk thông tin, con số hàng trăm vùng lãnh thổ và quốc gia đã tiếp cận cà phê chưa phải là tiêu chí thỏa mãn kế hoạch tăng trưởng sản xuất của tỉnh.

Ngành nông nghiệp địa phương đang đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao chất lượng giống, năng lực canh tác, chăm sóc cây trồng, ứng dụng các công nghệ cao, công nghiệp hữu cơ chuyên sâu vào từng vùng trồng cà phê.

Ngành công thương và khoa học công nghệ hướng đến các hoạch định đầu tư, hỗ trợ người nông dân đổi mới năng lực thu hoạch, bảo quản, chế biến hạt cà phê và các phụ phẩm từ cà phê đạt chất lượng tốt nhất.

Làm sao nâng cao chất lượng cà phê qua chế biến, và đặc biệt là tiến hành kêu gọi các dự án đầu tư chế biến chuyên sâu, mở rộng các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm từ cà phê là mong mỏi của địa phương.

Lý giải điều này, đại diện Hiệp hội cà phê và ca cao cho rằng, thực tế lâu nay, cà phê Tây Nguyên chỉ xuất khẩu thô, và chỉ có một số sản phẩm trực tiếp tiêu dùng từ hạt cà phê.

Kinh tế hội nhập và khoa học công nghệ đang đòi hỏi phải đổi mới hướng đầu tư này, cần có thêm những nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm từ cà phê như bánh kẹo, thức ăn…

Nghĩa là, Đắk Lắk cần nâng tầm cơ hội hợp tác với không chỉ những nhà buôn, tổ chức thương mại, mà từ lễ hội điển hình, tìm được những nhà đầu tư chuyên sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ cà phê, mới thực sự tạo nên dáng vóc khác biệt mới, hiệu quả hơn về phát triển cà phê ở thủ phủ của nông sản này.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.