Phố thương mại định hình những đô thị
Với các nhà đầu tư kinh tế, diện mạo một đô thị hiện đại, văn minh luôn đi cùng những khu vực thương mại sầm uất, sôi động.
Nếu quá trình định hình những đô thị đó còn gắn chặt lợi thế kinh tế bản địa, khai thác tốt các nền tảng sản xuất, tổ chức dịch vụ địa phương thì lựa chọn đầu tư vào đô thị đó của nhà đầu tư càng chắc chắn. Đây là lý do để các nhà quy hoạch đô thị luôn đề cao vai trò các khu phố thương mại, trong tiến độ tổ chức, định hình các đô thị.
Có thể thấy, tại những đô thị thủ phủ ở hai đầu đất nước, trong giai đoạn phát triển kinh tế hội nhập, tiến trình chỉnh trang các đô thị nội hạt các địa phương luôn gắn liền những dự án hạ tầng thương mại. Tất cả đặt rõ, bài toán quy hoạch đô thị luôn gắn chặt yêu cầu những không gian thương mại nên được tổ chức thế nào.
Không gian mới cho đô thị
Không ít nhà tư vấn nhìn nhận, tốc độ đô thị hóa của các thành phố thủ phủ đất nước là rất nhanh, nhưng khi đi sâu vào các kế hoạch phát triển, người ta nhận ra những bất cập rất khó tháo gỡ do sự chêm xen hiện trạng đô thị cũ và mới. Những con phố cũ ở Hà Nội, dù có nỗ lực thế nào, cũng có diện mạo quy hoạch đã ổn định, chỉ là phá dỡ những công trình cũ xây lại công trình mới, số diện tích không khác biệt gì. Đường sá giao thông nội thị vẫn chật chội. Nhu cầu mở rộng giao thông không giải quyết được, tình trạng tắc nghẽn xảy ra thường xuyên. Một thành phố có chuyển biến chỉnh trang mới hơn là Đà Nẵng, cho đến nay cũng không giải quyết được hiện trạng khu trung tâm cũ, ngày càng lộ ra những nhược điểm quy hoạch không theo kịp tốc độ đô thị hóa. Đời sống thị dân các thành phố lớn càng nâng lên, các tiêu chí chất lượng sống đổi khác, từ số hóa đến văn hóa hội nhập đều đòi hỏi hạ tầng đô thị tốt hơn.
Để giải quyết bài toán này, các nhà tư vấn đô thị cho rằng, các thành phố cần thay đổi hướng đầu tư, không nên quá tập trung chỉnh trang những vùng đô thị cũ nữa. Thay vào đó, hướng đầu tư vào những không gian mới sẽ tạo ra cơ hội cho những khu vực đô thị mới phát triển, tạo sức bật kinh tế năng động hơn, mới có thể đáp ứng được các nhu cầu thị dân.
Cho nên, trong hoạch định quy hoạch các đô thị gần đây, chủ trương của các cơ quan quản lý đều đề cao hình ảnh những khu đô thị mới, đặc biệt là đô thị thương mại hiện đại. Trong cấu trúc những dự án đô thị mới này, ngày càng phân định rõ nét ba nhóm công trình đô thị: nhà phố liền kế ưu tiên phục vụ kinh doanh thương mại, đất nền để người dân tự xây dựng nhà ở, và nhà ở chung cư xã hội nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho đa số thị dân.
Trong đó, phân khúc nhà phố liền kề được coi là điểm trọng yếu cần khuyến khích đầu tư, bởi vừa giải quyết được nhu cầu hạ tầng thương mại, vừa làm thay đổi tư duy thị dân về các quyền sở hữu pháp lý. Phải thấy rằng, nhà ở đô thị không phải đất nông thôn, cần ưu tiên thương mại hóa, cơ hội tiếp cận những dịch vụ, nhu cầu kinh tế mới, nên quyền sở hữu nhà ở thương mại phải có thời hạn nhất định. Chỉ khi nào đa số thị dân chấp nhận vấn đề này, cơ hội phát triển đô thị thương mại mới bảo đảm và các đô thị mới mới có thể định hình.
Những khu phố thương mại bắt đầu định hình ở những dự án đô thị Buôn Ma Thuột. |
Đô thị chủ đề càng cần phố thương mại!
TP. Buôn Ma Thuột có lịch sử gắn liền kinh tế nông lâm nghiệp, đến nay đã thấy rõ cần định hướng trở thành đô thị chủ đề để phát triển. Muốn vậy, thành phố cần xây dựng những khu, cụm đô thị, với các phố thương mại kinh doanh hàng hóa chuyên ngành, làm nền tảng hình thành những mảng hạ tầng thương mại vững chắc và giúp địa phương chuyển mình nhanh chóng.
Nhiều người cho rằng điều này là mâu thuẫn bởi một đô thị chủ đề nông nghiệp, càng tập trung vào những mảng nông sản đặc thù, giá trị cao, càng có quan hệ chặt chẽ với đời sống người nông dân, môi trường cuộc sống nông thôn. Người ta đã quen quan niệm những phố chợ nông nghiệp là tuềnh toàng, nông sản bày bán theo thời vụ, thiếu quy hoạch và có tình trạng bán lẻ tùy tiện. Điều này đã hiển hiện lâu nay tại Buôn Ma Thuột, với các chợ đầu mối còn cảnh nhếch nhác, những tiểu thương bán hàng cũng là nông dân đang tìm cách giải quyết đầu ra cho lượng nông sản vào vụ thu hoạch của mình.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Đắk Lắk, đã đến lúc cần thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp nông thôn là buôn lẻ bán rong. Bộ mặt thương mại địa phương cần đổi mới theo hướng ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt… với những mô hình kinh doanh bán hàng theo hợp đồng lớn, xuất khẩu chính ngạch và tiêu thụ đúng đối tượng qua kênh trực tuyến. Người nông dân cần tập trung vào hiệu quả canh tác trên đồng ruộng, để hướng giải quyết đầu ra nông vụ cho các đơn vị kinh doanh thương mại chuyên nghiệp.
Mà đã vậy, chính các con phố thương mại sẽ là nền tảng để thay đổi, phát triển tư duy kinh doanh ở thị dân, tạo dựng những quan hệ thương mại mới, thực hiện các chuỗi giá trị liên kết, logistics về hàng hóa nông sản và thực phẩm, tiến đến đa dạng hàng hóa sản xuất để đô thị trở thành tâm điểm tiêu thụ, giới thiệu hàng hóa, xây dựng các thương hiệu bản địa quy mô hơn.
Điều này cắt nghĩa vì sao đô thị chủ đề như Buôn Ma Thuột ngày càng cần có những khu phố thương mại mới, quy hoạch nên bức tranh những đô thị mới văn minh và hiện đại hơn.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc