Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng từ một phiên chợ

08:31, 16/03/2023

Phiên chợ Ban Mê do Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột tổ chức từ ngày 10 đến 14/3 trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 vừa qua với những gian hàng đặc sắc là “sản vật” địa phương đã để lại ấn tượng sâu đậm cho nhiều du khách.

Phiên chợ có hơn 40 gian hàng bày bán khoảng 100 sản phẩm là cà phê, ẩm thực, đặc sản Tây Nguyên, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đa dạng từ các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nó vừa tái hiện lại nét mộc mạc chân quê từ những món ăn dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp sự hiện đại của các gian hàng trưng bày sản phẩm mới.

Mang đến ba mặt hàng đặc sản của người Thái từ miền núi phía Bắc khi di cư vào TP. Buôn Ma Thuột là rượu nếp, cơm lam và chẩm chéo, chị Tòng Thị Chiến rất phấn khởi khi được nhiều người quan tâm và mua hàng. Chị Chiến chia sẻ, 5 năm trước, sau gần 20 năm rời xa quê hương vào lập nghiệp ở một vùng đất mới, đau đáu với những món ăn truyền thống quê nhà, chị bắt đầu làm thử cho gia đình và bạn bè thưởng thức. Sau khi nếm thử, nhiều người tỏ ra thích thú với đặc sản chị làm ra nên chị quyết định bán các món ăn đó. Để quảng bá món ăn đến nhiều người, chị đã tham gia phiên chợ lần này, mang bán 100 ống cơm lam, 100 lít rượu cẩm và 50 hộp chẩm chéo. Mặc dù đây là lần đầu tiên chị mang sản phẩm của gia đình ra chợ, nhưng lại được nhiều khách hàng đón nhận. Sau 5 ngày, sản phẩm của chị đã bán hết, nhiều khách hàng nếm thử thấy vừa miệng còn lấy số điện thoại để đặt vấn đề mua với số lượng lớn.

Khách hàng thưởng thức món cơm lam nướng ống nứa của chị Tòng Thị Chiến (TP. Buôn Ma Thuột).

Là đơn vị tài trợ hơn 5.000 ly cà phê miễn phí tại phiên chợ, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại CTC Việt Nam đã mang sản phẩm Gen C – cà phê cho mọi thế hệ có thể thưởng thức. Đến với phiên chợ này, công ty trưng bày 5 dòng sản phẩm chủ yếu là cà phê hạt, hòa tan và túi lọc theo các gu đậm đà truyền thống và gu đậm thơm thanh để chiều lòng khách hàng các vùng miền và các vị khách nước ngoài. Với điểm mạnh là những sản phẩm cà phê chất lượng làm từ hạt Fine Robusta được chế biến ướt hoàn toàn và chín cây đạt từ 99%, nên sản phẩm Gen C đã tạo nên hiệu ứng tốt.

Phiên chợ đã góp phần tạo cơ hội để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương quảng bá sản phẩm của mình, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại CTC Việt Nam Nguyễn Thị Bích Chi cho hay, nhờ việc tài trợ cà phê miễn phí tại phiên chợ, nhiều vị khách uống thử cảm nhận và đánh giá chất lượng sản phẩm tốt nên đã truyền miệng nhau đến mua cà phê trực tiếp tại cửa hàng. Trong 5 ngày diễn ra phiên chợ, công ty đã bán được 350 kg cà phê rang xay, 2.000 hộp cà phê hòa tan, 700 hộp cà phê phin giấy lọc và 15 tấn cà phê nhân Fine Robusta. Những khách hàng đặt mua chủ yếu là du khách trong và ngoại tỉnh, cùng một số khách du lịch sống ở Mỹ, Úc… mang về làm quà biếu. Đặc biệt, một đơn vị từ Hàn Quốc đã đề nghị hợp tác với công ty. “Tôi rất bất ngờ khi sản phẩm của mình trưng bày tại phiên chợ mang lại hiệu ứng cao đến như vậy. Hy vọng sắp tới các đơn vị, chính quyền sẽ tổ chức nhiều chương trình hơn nữa để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình”, bà Chi chia sẻ thêm.

Bằng việc thưởng thức cà phê và các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương như cơm lam, rượu nếp, gỏi cà đắng, lá mì xào… miễn phí, phiên chợ đã thu hút hàng nghìn khách hàng trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm. Tham quan, mua sắm tại phiên chợ lần này, chị Nguyễn Thị Minh Trang (TP. Buôn Ma Thuột) đặc biệt thích thú khi được thưởng thức món cơm lam nướng ống nứa của người Thái. Chị bày tỏ, cơm có vị dẻo, nướng trong ống nứa mới nên có mùi thơm khác lạ, không giống với những loại cơm lam trước đây chị từng ăn. Đặc biệt, món lá mì xào, gỏi cà đắng mang hương vị dân dã, hấp dẫn là món ăn mà chị ấn tượng nhất.

Khách hàng tham quan một gian hàng cà phê tại phiên chợ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột cho biết, Phiên chợ Ban Mê không chỉ là một điểm đến giải trí cho du khách gần xa, mà còn là nơi giao lưu, hội tụ các sản phẩm độc đáo của vùng đất Tây Nguyên, giúp mọi người hiểu rõ hơn về đặc sản và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào nơi đây. Điểm nhấn của phiên chợ này là các gian hàng của Ban Mê với đầy đủ sản phẩm OCOP và đặc sản Tây Nguyên, mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm mua sắm thú vị.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.