Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế

08:07, 03/03/2023

Xã Ea Pil (huyện M’Drắk) hiện có hơn 2.500 thanh niên (tuổi từ 16 - 30 tuổi), chiếm 30,6% dân số toàn xã; trong đó có 156 đoàn viên, sinh hoạt tại 10 chi đoàn. Thời gian qua Đoàn xã Ea Pil đã có nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương.

Cụ thể, Đoàn xã Ea Pil đã triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động trang bị kiến thức khởi nghiệp và lập nghiệp cho ĐVTN; phối hợp tổ chức cho ĐVTN tham quan các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả kinh tế cao; phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động như: sàn giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, tư vấn vay vốn, truyền thông hướng nghiệp, học nghề… Bên cạnh đó, Đoàn xã tổ chức rà soát nhu cầu và tạo điều kiện cho ĐVTN được vay vốn để đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thẩm định các mô hình để hỗ trợ vốn vay, đến nay đã giải ngân trên 11 tỷ đồng cho hơn 230 thanh niên vay phát triển kinh tế.

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của đoàn viên thanh niên xã Ea Pil tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện M'Drắk nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Cùng với sự hỗ trợ thiết thực của Đoàn xã, nhiều ĐVTN xã Ea Pil đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, không chỉ cải thiện cuộc sống gia đình mà còn góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Có hơn 2 ha đất vườn, đồi, anh Châu Bửu Hiển (thôn 4) trăn trở suy nghĩ, nghiên cứu xem giống cây trồng nào phù hợp. Năm 2018, nhận thấy các mô hình trồng nhãn tại địa phương mang lại hiệu quả cao, anh Hiển quyết định vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Đoàn xã đầu tư mua giống nhãn hương chi trồng thử nghiệm trên một phần diện tích đất của gia đình. Vừa làm, vừa chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nhãn từ các hộ đi trước, nên vườn nhãn của gia đình anh Hiển đều sinh trưởng phát triển tốt. Sau 3 năm vườn cây đã cho thu bói vụ đầu tiên. Hiện tại gia đình anh Hiển đã chuyển toàn bộ 2 ha đất vườn, đồi sang trồng nhãn hương chi. Anh Hiển chia sẻ, cây nhãn không cần đất có độ mùn, dinh dưỡng cao, việc chăm sóc không khó, ít tốn công mà mỗi héc-ta cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với trồng mía trước đây. Hiện tại gia đình anh Hiển đã có thu nhập ổn định từ hơn 2 ha nhãn hương chi và kinh doanh câu lạc bộ bida.

Năm 2020, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, anh Triệu Văn Nam (thôn 10) quyết định vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Đoàn xã thực hiện mô hình nuôi thỏ thương phẩm. Sau hơn 1 tháng nuôi, thỏ tăng cân lên mỗi con trên 3 kg. Lúc này, anh Nam tiến hành cho thỏ phối giống và khoảng hơn 30 ngày thì thỏ cái sinh sản. Trung bình 1 con thỏ cái mỗi lần sinh 5 - 8 con thỏ con, 1 năm thỏ sinh sản từ 5 - 7 lứa nếu được chăm sóc tốt. Thỏ con nuôi đến khoảng 1 kg thì bán với giá 100.000 đồng/con, thỏ thịt trên 100.000 đồng/kg. Hiện nay, đàn thỏ của gia đình anh Nam tăng lên trên 500 con, mang lại thu nhập ổn định. Nguồn thu từ chăn nuôi thỏ còn giúp anh Nam có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc hơn 2 ha cà phê.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.