Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Nỗi lo thiếu nhân công thu hoạch hồ tiêu

08:07, 03/03/2023

Dù giá hồ tiêu đầu mùa đang tăng nhẹ khiến người trồng tiêu rất phấn khởi, song nỗi lo thiếu nhân công thu hái tiêu cũng đang đặt ra thách thức với nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Thời điểm này, người dân huyện Cư Kuin đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu. Tuy nhiên, nhiều chủ vườn phải chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm nhân công, dù sẵn sàng chi trả mức thù lao cao hơn so với mọi năm nhưng vẫn không đủ nhân công thu hái.

Gia đình ông Vũ Đình Khôi (thôn 6, xã Ea Bhốk) có khoảng 1.000 trụ tiêu đang vào mùa thu hoạch. Năm ngoái, ông Khôi thuê nhân công hái tiêu với tiền công từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày/người, năm nay tăng lên 220.000 - 230.000 đồng/ngày, thậm chí gia đình ông còn sẵn sàng hỗ trợ bữa ăn phụ và chi phí đi lại đối với những nhân công ở xa song vẫn chưa thuê được đủ nhân công như mong muốn khiến ông càng lo lắng.

Nông dân huyện Cư Kuin thu hoạch tiêu.

Theo người dân địa phương, chi phí thuê nhân công hái tiêu tính theo ngày dao động ở mức 220.000 - 230.000 đồng /ngày, còn tính theo công khoán là 4.000 đồng/kg tiêu tươi hái được. Cách thức tính công cũng trở thành một bài toán nan giải đối với nhiều hộ dân bởi nếu thuê nhân công theo ngày thì không đạt năng suất, còn tính theo cân nặng thì dễ gây ảnh hưởng xấu đến năng suất vụ sau do nhân công hái lá, bẻ cành nhiều. Điều này khiến người trồng tiêu lo lắng khi số lượng tiêu chín rộ nhưng không thu hoạch kịp làm giảm năng suất, sức khỏe của cây tiêu và nguy cơ gây ra dịch bệnh trên cây tiêu rất cao.

Với 5 sào tiêu đang vào vụ thu hoạch, gia đình ông Nguyễn Văn Thành (thôn 23, xã Ea Ning) khoán cho nhân công thu hái với giá 5.000 đồng/kg tiêu tươi, cao hơn so với mặt bằng chung 1.000 đồng/kg. Ông Thành cho hay: “Hiện vườn tiêu đã chín rộ, quả rụng đỏ gốc, nếu không hái kịp thì tốn công đi nhặt nên gia đình tôi chấp nhận chịu thiệt khoán trắng cho người hái. Sau khi thu hoạch xong vụ tiêu này, tôi dự định sẽ trả thêm cho nhân công một khoản phụ cấp, bồi dưỡng để “giữ chân” họ tiếp tục hái tiêu cho mình vào mùa vụ tới”.

Được biết, thời gian thu hoạch tiêu chỉ kéo dài trong vòng 45 - 60 ngày nên khó tìm người thu hoạch, vì đa phần lao động trẻ tại địa phương đều lựa chọn làm việc cho các công ty ngoại tỉnh, công việc gắn bó lâu dài và thu nhập cũng ổn định hơn. Đã vậy, công việc hái tiêu ẩn chứa nhiều rủi ro khi phải leo trèo với độ cao trung bình từ 4 - 4,5 m. Thực tế cho thấy thời gian qua, trên địa bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra không ít vụ tai nạn lao động do té ngã khi đang hái tiêu, công việc vừa nguy hiểm lại không được lâu dài nên đa số nhân công hái tiêu chủ yếu là lao động từ các huyện khác trong tỉnh hoặc từ những tỉnh thành khác.

Tiêu chín rụng, người dân tranh thủ lượm nhặt trong thời gian chờ đợi thuê nhân công.

Ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin cho biết, Cư Kuin là vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh với diện tích gần 4.700 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch gần 4.100 ha. Vụ tiêu năm 2023, năng suất toàn huyện dự kiến đạt khoảng 3,2 tấn/ha, ước sản lượng 13.000 tấn. Giá tiêu hiện tại đang tăng nhẹ, dao động ở mức 65.000 đồng/kg nên người dân khá kỳ vọng vào vụ mùa 2023.

Hồ tiêu là loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng vài năm trở lại đây giá cả lên xuống thất thường, chi phí đầu tư chăm sóc lại tăng cao, nhân công hái tiêu khan hiếm khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh thu không đủ bù chi. Trước thực trạng thiếu nhân công, nhiều hộ dân chọn cách đổi công cho nhau. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, tình trạng thiếu nhân công hầu như chỉ rơi vào thời điểm toàn huyện bước vào thu hoạch chính vụ. Vụ tiêu năm nay do nguồn lao động trở về từ các tỉnh thành phía Nam sau đợt dịch COVID-19 khá nhiều, kèm theo đó là người lao động tại các xã, huyện khác trên địa bàn tỉnh đổ về tìm kiếm việc làm nên nhân công hái tiêu được nhận định sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người trồng tiêu tại địa bàn. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng vấn đề thiếu nhân công mà thu hoạch sớm, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm, đồng thời chủ động tìm kiếm nhân công là người tại chỗ, hoặc thông qua các kênh kết nối lao động do cơ quan chức năng triển khai.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.